Năm 2023, ADB đã cam kết 9,8 tỷ USD tài trợ khí hậu để hỗ trợ các nước đang phát triển. Ảnh minh họa: Dantri

Chiến lược mới này có thể sẽ trở thành một mô hình tiềm năng để các ngân hàng phát triển khác noi theo, khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên hợp quốc tại Baku, Azerbaijan, bắt đầu vào tuần này sẽ tập trung vào việc tăng cường số tiền tài trợ cho các quốc gia đang phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Được biết, ADB đã đặt mục tiêu cung cấp tài trợ khí hậu cho các quốc gia thành viên đang phát triển lên tới 100 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2030. Chỉ riêng trong năm 2023, ADB đã cho vay 9,8 tỷ USD để hỗ trợ các chương trình khí hậu.

Tuần trước, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ - người tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, đã làm dấy lên những lo ngại trước thềm các cuộc đàm phán của COP29, làm tăng thêm áp lực lên châu Âu và Trung Quốc trong việc giúp hội nghị đạt được những kết quả khả quan, các nhà đàm phán cho biết.

Theo kế hoạch của ADB, Mỹ sẽ bảo lãnh tới 1 tỷ USD cho các khoản vay hiện có từ ADB, trong khi Nhật Bản sẽ bảo lãnh 600 triệu USD. Điều này sẽ giúp mở rộng năng lực cho vay của ADB để ngân hàng này có thể cho vay nhiều hơn đối với các dự án liên quan đến khí hậu.

ADB cho biết khoản dư nợ mà các khoản bảo lãnh tạo ra sẽ được triển khai cho vay trong 5 năm tới, trong khi thời hạn của các khoản bảo lãnh sẽ là 25 năm.

Một trong những bên hưởng lợi đầu tiên từ động thái mới này của ADB sẽ là một dự án ở Pakistan nhằm tạo ra nhiên liệu hàng không bền vững từ dầu ăn. Với thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết vào ngày 20/11 tới, ADB sẽ cho vay khoảng 50% trong tổng số 90 triệu USD mà dự án này cần có.

Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các mối đe dọa từ thời tiết khắc nghiệt trên toàn thế giới, các nước đang phát triển được dự báo sẽ cần hơn 2.000 tỷ USD/năm cho đến năm 2030 để chuyển đổi sang năng lượng sạch và chuẩn bị để ứng phó với các điều kiện thời tiết của một hành tinh ấm hơn.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Reuters)