Bìa sách “Mạ tui” |
Nguyễn Viết An Hòa (tên thật là Nguyễn Viết Kế) thì có khác một chút. Anh thuộc lớp sinh viên trưởng thành từ năm 1975, là bạn với nhà văn Trần Thùy Mai và trong cuộc đời anh có chi tiết mà rất nhiều nhân vật nổi tiếng không có được vinh dự đó: Anh từng được Bầu Đức (“sếp” Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) thu xếp một chuyến bay do anh hùng không quân Nguyễn Thành Trung (người ném bom vào Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975) cầm lái đưa trở lại Huế!
Nguyễn Viết An Hòa không được phong danh hiệu gì trong ngành giáo dục, cũng không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hay Hội Văn nghệ tỉnh! Ở Huế vẫn có một “lớp người” đặc biệt như thế. Ví như thầy Phạm Kiêm Âu, không hề có danh hiệu gì, nhưng nhiều nhà văn, tiến sĩ kính phục xem thầy là nhà giáo mẫu mực hiếm có. Hay như nhà thơ Trần Vàng Sao, thầy giáo - dịch giả Bửu Ý, không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng được rất nhiều “nhà-văn-có-thẻ” thuộc loại “lão thành” kính trọng! Còn có thể kể thêm nhiều thầy, cô giáo, là tiến-sĩ-thứ-thiệt, viết phê bình nghiên cứu rất sâu sắc nhưng cũng không phải là hội viên Hội Nhà văn.
Xin trở lại với trường hợp Nguyễn Viết An Hòa. Trong giáo giới và nhiều thế hệ học sinh, sinh viên ở Huế, Nguyễn Viết Kế là một tên tuổi được kính nể. Từ năm 1974, anh đã là Chủ tịch Ban Đại diện sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế. Trong suốt 35 năm (1977 - 2012), anh là người thầy dạy văn được hàng chục ngàn học sinh trung học yêu mến, ngưỡng mộ - từ Pleiku Tây Nguyên xa ngái đến các Trường Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ (Huế)… Hơn thế, thầy Kế là người có lắm… “tài”, hăng hái hoạt động đoàn thể, biểu diễn văn nghệ, nên có nhiều “fan”, đến mức học trò ở Tây Nguyên làm đám cưới, cũng mời bằng được thầy Kế vào “dẫn chương trình”.
Nhưng trong làng văn, Nguyễn Viết An Hòa thuộc hàng… cây bút mới, cho dù anh đã xuất bản một số sách như “Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn” (sưu tầm - biên soạn, NXB Đà Nẵng, 1994), “Hướng dẫn sinh hoạt ngoài giờ” (NXB Thanh niên, 2001), “Luyện thi Tú tài Văn” (viết chung, NXB Thuận Hóa, 1996), “Nhịp chày thác nước” (thơ in chung, Sở VHTT Gia Lai Kontum, 1980). Với một cuộc đời phong phú như thế, nên tự truyện tuy mang tên “Mạ tui”, nhưng ôm chứa rất nhiều số phận, nhiều điều gợi chúng ta suy ngẫm về thế sự, về đạo làm người…
Nhà văn Trần Thùy Mai, trong lời “Tựa” cho tác phẩm đã viết: “Tự truyện Mạ tui này là một lăng mộ tinh thần vô giá mà Nguyễn Viết An Hòa dâng cho mẹ. Ít người con nào làm được như anh…”.
Người mẹ trong “Mạ tui” là một con người bình thường - rất bình thường, suốt năm tháng chạy chợ “đầu tắt mặt tối, đòn gánh đè vai… bàn tay chai sạn, bàn chân nứt nẻ vì nắng mưa gió chướng”; vậy mà qua cuộc đời bà và những người con - cũng đều là người bình thường, chúng ta như được gặp lại, được sống lại những năm tháng đầy biến động của dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, người mẹ trong “Mạ tui” không đứng về bên nào - ngoại trừ một lần vào dịp Tết Mậu Thân 1968, bà phải ôm con đi sơ tán kèm với nắm rơm ủ ấm cho mấy mẹ con. Vậy nên, “công lao” lớn nhất của bà trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc vừa qua là nuôi dưỡng, giáo dục đàn con, xây dựng một gia đình “ngũ đại đồng đường” theo khuôn phép của một “tín đồ Phật giáo thuần thành”… Nhờ đó, bà đã đưa gia đình vượt qua bao sóng gió, cùng tiến bước với xã hội cho đến ngày hôm nay.
Tự truyện của Nguyễn Viết An Hòa dành khá nhiều trang viết về những cuộc tình dang dở của mình, khiến “Mạ tui” thêm sức cuốn hút bạn đọc. Tuy vậy, điều tôi quan tâm hơn là các chuyện tình trắc trở của anh không phải để “câu khách” - tình yêu ngang trái của Nguyễn Viết An Hòa không thiếu vẻ đẹp nhưng rồi bất thành vì sự trớ trêu của số phận. Nguyễn Viết An Hòa đã “quá tam ba bận” phải “giương cờ trắng” trong cuộc tìm con dâu cho mẹ. Chỉ xin dẫn mối tình đầu với một nữ sinh Đồng Khánh, vào lúc giao thời của lịch sử Việt Nam: Năm 1974, chàng vay tiền mẹ nàng để tổ chức Đêm Sư phạm hàng năm vào dịp Tết, dự tính khi nhận học bổng sinh viên sẽ trả. Nhưng ai ngờ, sau 26/3/1975, “Huế giải phóng và… học bổng sinh viên cũng được “giải phóng” luôn!”. Ban Đại diện thì chỉ mình chàng ở lại Huế “chịu trận”. Thế là Mạ phải “bán gần hết tra lúa được chừng gần một cây vàng” cho con trả nợ.
Một thầy giáo - một nhà văn không/chưa nổi tiếng như Nguyễn Viết An Hòa có tác phẩm đầu tay được “nối bản” nhiều lần và được hưởng “phi vụ” độc nhất vô nhị bằng chuyên cơ H.344 của người học sinh cũ Bầu Đức đưa thầy về Huế, khi kết thúc cuộc gặp thầy trò “Có thể nào quên” tại Pleiku sau gần 30 năm xa cách… - hai “sự tích” hiếm có này cũng đủ làm ấm lòng tất cả những ai từng đứng trên bục giảng.