Các bạn trẻ hưởng ứng sự kiện truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh

Năm nay, Việt Nam chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Trong đó, lưu ý tăng cường công tác truyền thông, vận động trong Tháng hành động, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Truyền thông cần chú trọng vào các nội dung: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam và ở tỉnh, cảnh báo nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP)...

Dịp này, các đơn vị sẽ triển khai nhiều hoạt động tại cơ sở như vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV tại địa phương; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng  xa;...

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) phát động từ năm 2008. Từ đó đến nay, UBQG đã lấy thời gian từ ngày 10/11-10/12 là Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

L. TUỆ