Nhiều nạn nhân ở Huế đã đầu tư vào Công ty GFDI, bởi công ty cũng có trụ sở ở Huế 

Nó gọi kể với tôi bởi cách đây không lâu, khi nó có ý định đầu tư vào đây vì tin tưởng có một người bạn thân của nó làm ở công ty này, tôi đã ngăn cản. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, với mức lãi 2,5%-3,5%/tháng thì phải đặt dấu chấm hỏi. Không những thế, công ty này đã được nhiều người cảnh báo về hình thức đầu tư đa cấp.

Nhưng chỉ vì tin bạn thân, và những viễn cảnh tươi sáng bạn vẽ ra khi "tiền đẻ ra tiền", giờ nó mất tiền, mất luôn cả bạn.

Nghe xong câu chuyện, tôi chỉ biết khuyên nó bình tĩnh, cùng các nạn nhân khác đến cơ quan công an trình báo rồi mọi chuyện tính sau.

Không chỉ những nạn nhân như bạn tôi có tiền tích cóp rồi lấy đi đầu tư, mà nhiều người còn gom tiền của người thân, anh em để được số tiền lớn đầu tư vào công ty; bởi số tiền càng lớn, lãi càng cao... Khi tiền mất, nạn nhân không những rơi vào cảnh trắng tay, mà còn tan nhà nát cửa.

Với hình thức các công ty đầu tư tài chính hoạt động theo mô hình đa cấp (lấy của người vào sau trả cho người vào trước), là chiêu trò không hề mới. Các công ty dạng này lợi dụng sự cả tin của nhiều người, bởi khi có người quen, người thân làm ở đó hay đã từng đầu tư, họ sẽ không ngần ngại xuống tiền, góp vốn.

Những hợp đồng được soạn thảo "rõ ràng, minh bạch, công khai", khi hết hạn hợp đồng, các nhà đầu tư được cam kết sẽ được hoàn trả tiền vốn đã góp. Để tạo niềm tin, những nhân viên công ty hứa hẹn ngay sau khi nhà đầu tư nộp tiền vào thì công ty sẽ trả tiền thưởng tương đương. Ví dụ như bạn tôi, với 1 tỷ đồng đầu tư, ngoài tiền lãi 75 triệu đồng/3 tháng, sẽ được tặng 6 triệu đồng tiền mặt, chuyển khoản ngay khi nộp tiền. Cứ ngỡ là đầu tư sinh lời, "tiền tươi thóc thật", mà những nạn nhân này không ngờ tiền lãi đó, tiền thưởng đó chính là trích từ tiền của mình ra.

Hình ảnh những nhân viên công ty tài chính hoạt động theo kiểu đa cấp ăn mặc đẹp, đi xe sang, đeo đồng hồ xịn, check-in những nơi sang chảnh... kinh tế gia đình phát triển nhanh chóng, sẽ khiến người khác ngưỡng mộ, cũng muốn được như thế. Khi họ đi mời chào tham gia gói "đầu tư" tài chính này nọ với hình thức góp vốn, sau đó được hứa sẽ trả lãi rất cao, thì các nạn nhân sẽ dễ sập bẫy.

Mặc cho các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan công an đã khuyến cáo người dân không tham gia vào các hình thức đầu tư tài chính theo kiểu đa cấp, nhưng vì lợi nhuận “khủng” cùng sự nhẹ dạ, cả tin mà nhiều người vẫn lao vào như con thiêu thân. Còn những nhân viên công ty vì “hoa hồng” cao mà sẵn sàng chèo kéo, "lùa gà" bất chấp, kể cả đó là bạn bè, người thân hay thậm chí ruột thịt của mình...

Không phải cơ quan chức năng mới có trách nhiệm trong việc ngăn chặn những hình thức lừa đảo này mà chính mỗi chúng ta phải có kiến thức, tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa đảo. Bởi, tiền trong túi mình, nếu mình không vì hám lời mà nhẹ dạ cả tin thì chẳng ai lừa được. Hơn nữa, mạng xã hội phát triển, các thông tin về các hình thức lừa đảo bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu “miễn phí”...

Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định, các doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh theo mô hình đa cấp đối với các loại hàng hóa có đăng ký và được sự cho phép của ngành công thương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những lỗ hổng pháp lý, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện huy động vốn trái phép.

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp để lừa đảo huy động vốn, nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 đến 50 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, chế tài xử phạt có thể tù chung thân.

Bài, ảnh: Thảo Vy