Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao chứng nhận giải Nhất cho thầy Tuấn

Thầy giáo Trần Ngọc Tuấn chia sẻ: Ngay sau khi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thống 60 năm BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế (15/12/1964 – 15/12/2024); cuộc thi ảnh “Tự hào biên giới, biển đảo quê hương Thừa Thiên Huế”, nhà trường đã tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh. Thầy Tuấn hưởng ứng cuộc thi không chỉ bởi tinh thần nêu gương của một đảng viên, một người lãnh đạo đơn vị, mà còn bằng tình cảm sâu sắc dành cho biên giới, biển đảo quê hương và lực lượng BĐBP.

“Đối với biên cương của Tổ quốc, tôi luôn dành niềm tự hào và một tình yêu sâu nặng. Tình cảm đó cũng dành trọn vẹn cho Bộ đội Cụ Hồ nói chung, đặc biệt là BĐBP. Để mảnh đất phên dậu luôn vững chắc, có biết bao cống hiến, hy sinh không đong đếm của những thế hệ người lính biên phòng. Trong thời bình, cũng đã có không ít cán bộ, chiến sĩ biên phòng anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Những cống hiến, hy sinh cao đẹp ấy là động lực để chúng tôi thực hiện bài dự thi bằng tất cả trách nhiệm, tâm huyết”, thầy giáo Tuấn bộc bạch.

Bao năm qua, thầy Tuấn đã cùng những đồng nghiệp của mình bồi đắp, vun trồng trong tâm hồn các thế hệ học trò niềm tự hào về biên cương của Tổ quốc nói chung, về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và đặc biệt là truyền thống BĐBP tỉnh. Lan tỏa đến các em hình ảnh người lính biên phòng vượt qua gian nan, hiểm nguy luồn rừng, băng đồi, vượt suối, tuần tra đường biên, cột mốc, cầm chắc tay súng bảo vệ biên giới; dầm mưa, dãi nắng giúp người dân khu vực biên giới phòng, chống thiên tai, xây dựng đường sá, sửa chữa nhà cửa…, cũng chính là tích lũy “vốn liếng” kiến thức và cảm xúc cho chính mình.

“Tôi cũng đã từng cùng toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường vinh dự được đến cột mốc 666 trên địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (đóng quân tại xã Lâm Đớt, A Lưới) quản lý. Khi đứng trước cột mốc uy nghi khắc hai chữ Việt Nam bằng sơn đỏ, cảm xúc tự hào và kính phục về những cống hiến, hy sinh to lớn của biết bao thế hệ người lính, để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Biên cương là thành trì vững chãi để cuộc sống chúng ta được yên bình. Khi vào thăm, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, chúng tôi càng hiểu thêm về những người lính biên phòng”, thầy giáo Tuấn chia sẻ.

Cùng với “vốn liếng” quý giá đó, thầy Tuấn tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng thêm tài liệu, kiến thức, nội dung về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thống hào hùng của BĐBP tỉnh, trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; đồng thời, chuẩn bị những hình ảnh chân thực, sinh động để minh họa trong bài thi của mình. Trách nhiệm, tâm huyết của người đảng viên, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Quang Ái được ban giám khảo đánh giá cao.

Thầy Tuấn xúc động và tự hào khi được trao giải Nhất cuộc thi viết. Niềm tự hào đó được “nhân” lên, khi đồng nghiệp cùng trường, thầy giáo Trương Hoàng Long đoạt giải Ba và một công chức xã, đang công tác tại UBND xã Quảng Ngạn đoạt giải Khuyến khích. Đặc biệt, thầy giáo Thái Duy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Quang Ái, từng là một người lính, đã truyền cảm hứng cho anh và các giáo viên, học sinh nhà trường những cảm xúc đẹp đẽ đối với Bộ đội Cụ Hồ.

Theo Thượng tá Lê Hồng Tuyên, Chủ nhiệm Chính trị và Trung tá Cao Chí Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, trách nhiệm và tâm huyết của thầy giáo Tuấn nói riêng, của cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng các cuộc thi nêu trên, thể hiện tình cảm sâu sắc với biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và lực lượng BĐBP tỉnh. Điều đó là “phần thưởng” quý giá, cũng là động lực để BĐBP tỉnh nỗ lực hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó.

Bài, ảnh: Văn Toàn