Biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến châu Á - Thái Bình Dương, có thể khiến GDP khu vực giảm 17% vào năm 2070. Ảnh minh họa: NBC/Hanoimoi |
Trong khoảng thời gian đó, châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến những đợt nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ tăng vọt lên trên 45 độ C ở nhiều nền kinh tế và nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận tại Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ấn Độ bị nhấn chìm bởi lũ lụt thảm khốc cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, trong khi các vùng khác trong khu vực bị tàn phá bởi những cơn bão mạnh.
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay chỉ mới là sự khởi đầu, và thế giới có thể đã đạt đến một “điểm tới hạn” quan trọng của hành tinh - điểm mà con người có nguy cơ không thể đảo ngược. Nếu chúng ta vượt qua điểm này, những thảm họa thiên nhiên ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn. Đáng lưu ý, châu Á - đặc biệt là Đông Nam Á, đang phải đối mặt với tương lai khí hậu ảm đạm, với dự đoán về các cuộc khủng hoảng môi trường leo thang có thể làm tê liệt nền kinh tế và gây nguy hiểm cho hàng triệu sinh mạng.
Thực tế, khi xem xét kỹ tiến độ thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững 13 (kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu), chính phủ các quốc gia trên khắp châu Á - Thái Bình Dương dường như đang đi đúng hướng trong việc áp dụng các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia vào năm 2023.
Tuy nhiên, tỷ lệ các chính quyền địa phương áp dụng và triển khai các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai cục bộ vẫn thấp hơn mục tiêu đặt ra cho năm 2023. Hơn nữa, các hành động chính sách này dường như không làm giảm số người thiệt mạng, số người mất tích hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đáng lo ngại hơn, dữ liệu cho thấy tiến độ giảm phát thải khí nhà kính (GHG) của khu vực thậm chí còn thụt lùi so với trước đó.
Rõ ràng, châu Á đang phát triển rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời, đây cũng là động lực chính thúc đẩy khí thải nhà kính gia tăng. Khu vực này tạo ra khoảng 1/2 lượng khí thải GHG toàn cầu vào năm 2021, do nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhu cầu năng lượng và sản xuất tăng cao. Nếu không có những nỗ lực giảm thiểu mạnh mẽ hơn, khu vực này sẽ phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng, lũ lụt, mưa bão và các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, châu Á đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 nhờ có tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo to lớn.
Song song đó, mối quan tâm của công chúng về biến đổi khí hậu cũng rất mạnh mẽ, cùng với sự ủng hộ đối với các hành động khí hậu đầy tham vọng. Khảo sát nhận thức trực tuyến về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy 91% người dân ở 14 nền kinh tế trong khu vực này coi biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng. Việc nâng cao nhận thức về các hành động ứng phó với khí hậu, đồng thời đảm bảo rằng các chính sách được thiết kế tốt và giải quyết các bất bình đẳng hiện có, có thể xóa tan nghi ngờ và thúc đẩy sự ủng hộ của công chúng.
Theo phân tích của ADB, các nước châu Á - Thái Bình Dương cần tăng cường các nỗ lực giảm thiểu để hạn chế tổn thất dài hạn do biến đổi khí hậu, trong khi phải đẩy nhanh quá trình thích ứng để giải quyết những tác động không thể tránh khỏi. Nhu cầu đầu tư hàng năm cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu của các quốc gia trong khu vực ước tính từ 102 tỷ - 431 tỷ USD - cao hơn nhiều so với khoảng 34 tỷ USD tài chính dành cho các kế hoạch thích ứng được huy động trong khu vực vào năm 2021-2022.
Ngoài ra, việc đánh giá lại liên tục các tác động của biến đổi khí hậu và các hành động thích ứng là điều cần thiết. Trong bối cảnh khoa học khí hậu đang ngày càng phát triển, các nhà hoạch định chính sách châu Á cần liên tục xem xét lại và cải thiện các dự đoán về tác động và thử nghiệm các biện pháp thích ứng một cách có hệ thống. Giới chuyên gia cho rằng, kết quả của quá trình đánh giá lại này phải được truyền đạt liên tục để đảm bảo rằng các rủi ro về khí hậu được đưa vào trong các quy trình lập kế hoạch và đầu tư của các chính phủ trong khu vực, để từ đó có được những chiến lược tối ưu nhất cho các hành động khí hậu.
(Lược dịch từ ADB & Business Times)