Tập truyện ngắn “Cánh cửa trong lỗ tai” của Trần Băng Khuê |
Trần Băng Khuê từng vinh dự nhận Tặng thưởng Tạp chí Sông Hương chuyên mục văn xuôi (năm 2015), Giải Nhì cuộc thi bút ký “Di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế” (năm 2022) và gần đây nhất là Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VII (2018-2023). Trần Băng Khuê là tác giả của các tác phẩm: “Mưa rơi trên sông” (Tùy bút, 2013), “Khói xuân vương tóc mẹ” (Tản văn, 2017), tập truyện ngắn “Bức tường trong chai Tequila” (2017), “Bốn mùa hoang vu xứ kiwi” (Tản văn, 2021). Và mới đây nhất là tập truyện ngắn “Cánh cửa trong lỗ tai”.
Với truyện ngắn mở đầu “Khỏa thân dưới chân núi”, người đọc ngay lập tức lạc vào không gian u ẩn, mộng mị của một ngày thường, của một xác chết và những mạch nghĩ suy của các nhân vật. Cái không khí ngột ngạt, sầu ai đầy ám ảnh về cái chết, nỗi mất mát, tính kỳ bí. Không gian truyện tạo dựng hai hình ảnh đối lập, một người mẹ chăm chỉ bên máy khâu, với tiếng đạp máy khô khốc như một sự ẩn nhẫn, cam chịu.
Trong khi đó, người họa sĩ trong “Nỗi buồn xanh trên sợi dây gai” cũng mang trong mình sự tìm kiếm vô vọng những ý nghĩa tồn tại. Con người xô cuốn vào dòng chảy vô hình, trở nên mờ nhạt trong vũ trụ rộng lớn. Cái chết xuất hiện với chiếc băng ca và tấm khăn trắng đắp lên người quá cố. Ý nghĩa về về sự vô thường của đời sống, ý niệm tồn tại, nghệ thuật và con người đồng hiện trong một thế giới đầy hỗn loạn và mâu thuẫn. Người họa sĩ đã mơ “Một sợi dây gai khác, mong manh xuyên qua giấc mơ tôi, nằm lặng yên trong giấc mơ tôi, thổn thức, kết nối và tiếp tục lùa nỗi buồn xanh vào từng nếp gấp của thế giới đẹp đẽ phô diễn, nhưng đầy sóng ngầm này”. Phải chăng đó là thông điệp về tính tương phản khi nhận diện cái sống và cái chết, thiên nhiên và con người, hiện thực và giả tưởng được tác giả trần thuật qua tầng lớp nghĩa sâu sắc, triết lý.
Người đọc sẽ tìm thấy nhiều sự tìm tòi trong bút pháp đầy tính thể nghiệm của Trần Băng Khuê như truyện ngắn “Cách bắt đầu một câu chuyện”. Tác phẩm được cấu trúc phức hợp như một bản thảo, tường thuật quá trình lao động chữ nghĩa của một người viết với nhiều chi tiết và phân đoạn khác nhau. Từ những chi tiết có phần “bếp núc” của nhà văn, đến hiện thực trần trụi, nhân vật, tính hư cấu, có thể nói tác giả đã làm rõ sự chông chênh, đầy biến thiên của việc viết lách, có thể là giọng điệu nghiêm túc lẫn sự châm biếm, hoài nghi, giả định đều được nêm nếm một cách rất tài tình. Và như thông điệp của một số truyện ngắn khác, tác giả bộc bạch, tâm sự như là chính mình: “Tôi, người đang viết về cái thiện - cái ác, đang phân vân về sự tồn tại hay không tồn tại, chỉ thắc mắc mỗi một câu hết sức tầm thường”.
Tôi dừng lại ở một truyện ngắn có nhan đề khá gợi “Gloria J”, lẽ vì muốn hiểu rõ hơn về cái tên lạ đó. Gloria J là một điểm hẹn dành cho những người trẻ. Họ sẽ tìm kiếm nhau bằng những click, bằng những tin nhắn rồi sau đó gặp gỡ. Gloria J là “quán café nằm trên góc Lorne st, mà tôi vẫn thường đến để quan sát thế giới và tuổi trẻ ở đó”. “Gloria J” dựng nên sự đối lập giữa cô đơn của các nhân vật khi tồn tại trong một thế giới đang hiện hữu những barie vô hình ngăn cách sự tiếp xúc, thấu hiểu, bị chi phối, lệ thuộc vào máy móc, công nghệ. Người đọc nhận biết chiều sâu vô tận của tâm hồn con người khi đắm trong những dòng miêu tả sự cô đơn và tìm kiếm ý nghĩa trong một không gian nhỏ bé như Gloria J. “Con người có thể cô đơn nhưng thế giới thì không”, Trần Băng Khuê đã cho nhân vật nhận thức như thế, rằng cái cô đơn cũng chính do con người tưởng mà thành, con người chừng như khó mà vô nhiễm trước thế giới luôn biến đổi, có mà không thật, không thật mà cho là có vậy. Cuối cùng thì chúng ta nhận ra, máy móc, công nghệ có thể thay thế con người ở một số việc, nhưng tâm hồn vẫn luôn thuộc về con người vì sự duy nhất mà ta được hiện hữu.
Truyện ngắn “Cánh cửa trong lỗ tai” là tiêu đề cho cả tập truyện, nói về cô đơn theo một cách khác, trong sự đơn độc của ta hẳn cũng tìm thấy một phần nào đó của chính mình qua cảnh của người khác được thể hiện bằng những câu chuyện ta lắng nghe và chia sẻ. Lỗ tai là biểu tượng của sự cân bằng giữa việc tiếp nhận và nhận thức chính ta trước những câu chuyện của người khác, dường như là vô tận. Cánh cửa trong lỗ tai đã mở để lắng nghe, khát khao kết nối, nhu cầu được chia sẻ của con người và cho ta cái nhìn sâu sắc về sự cô đơn luôn hiện hữu bên trong đó. Câu chuyện nhắn nhủ rằng “Muốn trở thành nhà văn, trước hết phải là người biết lắng nghe”.
Trần Băng Khuê với những tác phẩm nhấn sâu vào thế giới tưởng, nhiều mộng mị, u ẩn đã mang đến sự thôi miên nhất định cho người đọc. Từ sự mềm mại ban đầu của con chữ và đằng sau là những lớp ý tưởng gập ghềnh biểu đạt một kiểu diễn ngôn xã hội khác trong thế giới đang không ngừng vận động. Mạch truyện trong hầu hết truyện ngắn trong tập này được trình bày dựa trên sự phi tuyến tính của thời gian, thời gian không cố định, không đầu, không cuối, mơ hồ… tạo nên dòng chảy khác thuần không gian, thuần ý nghĩ. Do đó, ta có một cảm giác thách thức người đọc, thách thức tưởng tượng cùng người tạo ra nó trong sự trừu tượng và triết lý, trong mô phỏng hiện thực và ảo ảnh của thực tại.