UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp |
Phục hồi di tích Đại Cung Môn
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét, quyết định thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án (DA). Đó là các DA: Phục hồi di tích Đại Cung Môn; khu tái định cư đường Tố Hữu, TX. Hương Thủy; trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.
Đối với chủ trương đầu tư DA phục hồi di tích Đại Cung Môn, theo UBND tỉnh, đây là công trình quan trọng, có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với khu vực Tử Cấm Thành nói riêng và Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung. Tuy nhiên hiện nay, di tích chỉ còn lại nền móng. Do vậy, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư DA này với tổng mức đầu tư 64,672 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy, việc đầu tư phục hồi Đại Cung Môn là cần thiết, góp phần phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.
Liên quan đến chủ trương đầu tư DA khu tái định cư đường Tố Hữu nối dài, tờ trình của UBND tỉnh cho thấy, quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để thực hiện DA có khoảng 246 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 135 hộ thuộc diện được bố trí tái định cư. Nhằm tạo quỹ đất cho các hộ dân bị thu hồi đất thuộc diện tái định cư, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh chủ trương đầu tư DA với tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành rà soát, bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện theo quy định.
Thẩm tra tờ trình về chủ trương đầu tư DA trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, đây là DA cấp bách, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục liên quan, cân đối, bố trí vốn để triển khai thực hiện.
Các đại biểu tham dự kỳ họp |
Cũng nội dung về đầu tư công, HĐND đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư DA hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 – 2025. Cụ thể, HĐND tỉnh điều chỉnh vốn của 5 DA và dừng 6 DA thành phần để bố trí vốn cho 11 DA mới. Theo đó, tổng số DA thành phần sau điều chỉnh là 23 DA (tăng 5 DA), với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 60,14 tỷ đồng… Ngoài ra, HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư DA hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 10); đó là việc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu DA, cụ thể: “Tạo quỹ đất tái định cư DA nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Gia Thiều, TP. Huế và các DA trọng điểm trên địa bàn TP. Huế”.
Tiếp tục quan tâm Đề án di dời dân ra khỏi Kinh thành Huế
Theo tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp, năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế (Đề án) và được HĐND tỉnh cho ý kiến điều chỉnh Đề án lần 1 cuối năm 2020. Đến nay, đã di dời hơn 5.000 hộ dân, xây dựng 10 khu dân cư với tổng diện tích 82,77ha để bố trí tái định cư các hộ dân. Ngày 21/8/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 80/NQ-HĐND điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án.
Qua rà soát, đối chiếu các quy định liên quan đến quy hoạch di tích, kỳ họp này, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh Đề án.
Thẩm tra nội dung này, Ban Kinh tế - Ngân sách cho biết: So với Nghị quyết số 80/NQ-HĐND, UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh từ 19 khu vực xuống còn 16 khu vực (giảm 3 khu vực: Đàn Nam Giao, Lăng Tự Đức, Điện Hòn Chén), diện tích điều chỉnh từ 83,3ha xuống còn 44,4 ha; bên cạnh đó, việc xác định phạm vi thực hiện Đề án nay chỉ còn khu vực 1 di tích (Nghị quyết số 80/NQ-HĐND gồm khu vực 1 và khu vực 2 di tích); bổ sung thêm công tác thực hiện di dời và xây dựng lại 31 công trình chiến đấu trong khu vực Kinh thành Huế và 9 công trình chiến đấu thuộc các khu vực khác; theo đó kinh phí thực hiện Đề án cũng được điều chỉnh giảm, bao gồm kinh phí thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết |
Việc điều chỉnh Đề án là phù hợp với các quy hoạch có liên quan hoạch phân khu đã được phê duyệt…
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng thông qua nhiều nghị quyết quan trọng khác liên quan đến phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2023; ứng trước ngân sách tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng, cấp bách; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; giao kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2022; quy định mức thu, nộp lệ phí thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường và thể thao; quy định mức chi hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp một;…
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, kỳ họp đã thông qua 33 nghị quyết quan trọng với sự nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh
Ông Lê Trường Lưu đánh giá, đây là những nghị quyết có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Do vậy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai các giải pháp để sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao nhất. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu, các vị đại biểu HĐND tỉnh chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các nghị quyết.