Thủ tướng Singapore Lawrence Wong. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức |
Hãng tin CNA dẫn lời Thủ tướng Lawrence Wong tại lễ bế mạc Diễn đàn APEC năm nay cho biết, APEC tiếp tục là một nền tảng quan trọng cho hợp tác kinh tế và 21 nền kinh tế thành viên đã cùng nhau chiếm gần một nửa thương mại toàn cầu.
“Singapore coi đây là một nhóm qua trọng, không chỉ cho thương mại và đầu tư, vì APEC cũng đóng vai trò là nơi ươm mầm cho các ý tưởng xung quanh nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau, như chuỗi cung ứng, kinh tế kỹ thuật số và tính bền vững”.
Theo Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, nước này sẽ thực hiện vai trò của mình để hỗ trợ APEC theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc tổ chức Diễn đàn APEC.
“Chúng tôi đã đề nghị đăng cai tổ chức diễn đàn APEC 2030”, Thủ tướng Lawrence Wong chia sẻ. Lần gần đây nhất nước này đăng cai APEC là vào năm 2009.
Thế giới đang ở “điểm uốn”
Khi được hỏi về bài học rút ra từ Diễn đàn APEC năm nay, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong lưu ý, thế giới đang ở thời điểm chuyển đổi và điều này rất rõ ràng. Cụ thể, có những thế lực mạnh mẽ đang định hình quỹ đạo của các sự kiện trong những năm tới. Trước sự cạnh tranh và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, nhiều vấn đề đang được xem xét qua lăng kính an ninh thay vì qua hợp tác kinh tế cùng có lợi.
Có một thực tế rằng người dân ở nhiều nền kinh tế thành viên của APEC cảm thấy thương mại tự do không mang lại lợi ích cho họ và không phải ai cũng được hưởng lợi công bằng từ sự tiến bộ của nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, hiện đang tồn tại mối lo ngại chung rằng sự ủng hộ đối với toàn cầu hóa và thương mại đang suy yếu. Tuy nhiên, điều tốt là các nền kinh tế APEC luôn xác nhận rõ cách tốt nhất để giải quyết những mối lo ngại này là tăng cường liên kết thương mại và đầu tư, đảm bảo rằng thương mại mang lại lợi ích cho tất cả người dân, cũng như thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
Trích dẫn ví dụ về biến đổi khí hậu, ông Lawrence Wong cho biết: “Điểm khởi đầu để chống lại sự nóng lên toàn cầu và giải quyết biến đổi khí hậu là định giá Carbon và loại bỏ dần trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Nhưng không phải nước nào cũng có thể thực hiện được kế hoạch này. Mỗi quốc gia sẽ hành động theo tốc độ riêng của mình bởi họ có những cân nhắc và yếu tố riêng trong nước. Vì vậy, ông lưu ý rằng điều quan trọng là ít nhất phải có sự hiểu biết rộng rãi về mục đích cuối cùng để điều hướng hành động một cách đúng đắn.
“Chúng tôi nhận ra không phải ai cũng có thể hành động cùng lúc, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng tập hợp các nền kinh tế có cùng chí hướng để hành động trước”, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh. Được biết, trong số các nền kinh tế APEC, các nền kinh tế nhỏ hơn và cởi mở hơn như Singapore, New Zealand và Chile thường hợp tác với nhau để trở thành “những người tiên phong”.
Điều này đã được thực hiện với P4 (Brunei, Singapore, Chile và New Zealand), dẫn đến CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và sau đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA). Thủ tướng Lawrence Wong bày tỏ: “Chúng tôi hi vọng điều này sẽ cho phép chúng tôi một lần nữa đóng vai trò là người mở đường để tìm ra những quy tắc, tiêu chuẩn cần thiết cho việc trao đổi và hợp tác xung quanh các giải pháp Carbon thấp và xanh và điều đó sẽ cho phép thực hiện nhiều hoạt động thương mại xuyên biên giới hơn trong các hoạt động liên quan đến Carbon thấp”.
Hướng tới một khu vực thương mại tự do rộng khắp
Cũng trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Lawrence Wong đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ở Lima (Peru) rằng hãy thực hiện các bước hướng tới một khu vực thương mại tự do trải dài khắp Thái Bình Dương, dù điều đó có khó khăn đến đâu. Lời kêu gọi này liên quan đến Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), một thỏa thuận thương mại có sự tham gia của tất 21 nước thành viên APEC đã xây dựng trong nhiều năm qua.
Thủ tướng Lawrence Wong chia sẻ rằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên được duy trì tính bao trùm. Ông nói thêm rằng các hiệp định thương mại này là con đường quan trọng cho FTAAP và nên mở cửa cho những nước có thể và sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập. Điều này sẽ mở rộng lợi ích cho cả những quốc gia thành viên hiện tại và thành viên mới. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng nên đảm bảo các quan hệ đối tác hiện tại vẫn phù hợp với mục đích.
Về đề xuất, vị lãnh đạo cho rằng các thành viên APEC nên thiết lập các chuẩn mực hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn nhue nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh để nắm bắt các cơ hội mới. Các thỏa thuận xanh có thể mở ra nhiều việc làm và ngành công nghiệp mới về tính bền vững, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh của các thành viên APEC. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi nay “APEC đã có tầm nhìn quan trọng hơn trước”.