Cán bộ công chức huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) trao đổi kỹ thuật chăm cây ăn trái với người dân. (Ảnh MỸ HÀ) |
Chọn khâu đột phá
Tại các địa phương, nhiều cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số được cấp ủy lựa chọn, bồi dưỡng đã phát huy tốt phẩm chất, năng lực, tạo dấu ấn, thành tích trong quá trình rèn luyện; tạo nguồn bảo đảm cho chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong những năm tiếp theo.
Đề án số 11 của tỉnh Yên Bái về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” được triển khai ngay sau khi Nghị quyết Trung ương ban hành. Đề án chọn khâu đột phá là tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và kỹ năng lãnh đạo quản lý. Theo đó, Tỉnh ủy liên kết với các học viện, nhà trường mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho các đồng chí được quy hoạch, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.
Giải pháp kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, chương trình bắt buộc có thời gian thực tế, học tập kinh nghiệm quản lý, điều hành, tiếp cận phương pháp hiện đại tại tập đoàn kinh tế lớn, đơn vị, địa phương. Cán bộ thuộc đề án được tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh nhằm tiếp cận, làm quen với quy trình thực tế tổ chức, điều hành các phiên họp, hội nghị.
Với đặc thù địa bàn miền núi, biên giới, tháng 3/2021, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng đối tượng cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Tỉnh đã có những chính sách tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, tiếp cận với khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tùy điều kiện và nhu cầu, áp dụng cơ chế, chính sách mới về đào tạo, bồi dưỡng ngay từ khâu quy hoạch để chuẩn bị đội ngũ cho giai đoạn mới. Hơn ba năm triển khai Nghị quyết số 06 đã cho kết quả bước đầu. Cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng, một số địa phương có tỷ lệ đạt và vượt mục tiêu. Trong 5 năm qua, cán bộ nữ được điều động, bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp là 284 người; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện đạt 19,64%, tăng so với nhiệm kỳ trước 1,4%; cấp tỉnh đạt 14,89%, tăng so với nhiệm kỳ trước 0,89%.
Là địa phương chưa đạt tỷ lệ cán bộ trẻ theo yêu cầu, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Kết luận số 09-KL/TU, ngày 4/3/2021 về tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong Ðảng bộ thành phố Hải Phòng. Mục tiêu đặt ra là nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ cho các giai đoạn kế tiếp.
Triển khai Kết luận số 09, các cấp ủy trực thuộc lựa chọn các cán bộ trẻ có năng lực nổi trội, có triển vọng, tăng cường, luân chuyển giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, xã để có môi trường rèn luyện, thử thách. Năm 2021, Thành ủy đã lựa chọn sáu cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, công tác tại các cơ quan của thành phố, được đào tạo chính quy, bài bản để tăng cường, luân chuyển giữ các chức vụ phó bí thư cấp ủy, phó chủ tịch UBND cấp huyện. Các quận, huyện ủy thuộc Hải Phòng cũng thực hiện tăng cường, luân chuyển 19 đồng chí cán bộ trẻ dưới 30 tuổi bổ sung cho cấp xã.
Triển khai Kết luận số 09 của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Sở Nội vụ là cán bộ trẻ đầu tiên được phân công điều động giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí được Ban Thường vụ Huyện ủy giao nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục trên địa bàn huyện. Đây là yêu cầu của địa phương, đồng thời phù hợp chuyên môn sư phạm của cán bộ trẻ được luân chuyển.
Sau nhiều nỗ lực cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, đồng chí đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng và ban hành Nghị quyết số 94-NQ/HU ngày 8/4/2022 về đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo huyện An Lão đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết ra đời tạo bước đột phá trong công tác phát triển giáo dục tại huyện An Lão. Cũng tại Hải Phòng, tất cả cán bộ tăng cường về huyện, xã theo Kết luận số 09 đều được cấp ủy, tập thể lãnh đạo đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nhiều đồng chí trưởng thành được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.
Tháo gỡ rào cản tư duy, cơ chế
Dù đạt nhiều kết quả nhưng công tác đào tạo, tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số tại nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Hải Phòng là đô thị lớn có lực hút hấp dẫn về nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng cán bộ trẻ, cán bộ nữ vẫn chưa thật sự đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Sau hơn ba năm thực hiện Kết luận số 09 của Thành ủy, số lượng cán bộ trẻ luân chuyển chưa nhiều, phạm vi luân chuyển hẹp, cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện chưa có.
Nguyên nhân là một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm, có nơi bố trí cán bộ trẻ chưa phù hợp năng lực, sở trường. Đối với một vài cấp ủy, cá biệt còn có tư tưởng cục bộ địa phương, không muốn nhận người nơi khác về… Việc tiếp nhận, tuyển dụng công chức nhà nước và điều động, luân chuyển cán bộ từ cấp huyện xuống cấp xã và ngược lại còn nhiều bất cập.
Đồng chí Uông Minh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, thuộc diện cán bộ trẻ được luân chuyển nêu thực tế, cái thiếu nhất của cán bộ lãnh đạo trẻ là kinh nghiệm thực tiễn và điểm tựa tinh thần để vượt qua tâm lý e ngại ban đầu. Do vậy, rất cần sự ủng hộ, tạo điều kiện, động viên của cấp ủy, địa phương nơi công tác. Từ thực tế này cho thấy việc thay đổi tư duy của các cấp ủy về vị trí, vai trò công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ là việc làm cần thiết. Xóa bỏ tư tưởng cục bộ địa phương, thờ ơ đối với đội ngũ cán bộ được luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng sẽ tạo đà giúp nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ trẻ.
Gia Lai là tỉnh chú trọng công tác tạo nguồn từ học sinh, sinh viên nhưng thời gian gần đây, chỉ tiêu biên chế không tăng, các ngành đang thực hiện tinh giản bộ máy và biên chế nên việc bố trí, sắp xếp công việc cho sinh viên người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, sau khi cử đi đào tạo, những vị trí dự định bố trí đã có cán bộ tăng cường hoặc luân chuyển đến nên địa phương chưa bố trí được công việc cho sinh viên cử tuyển sau khi ra trường. Bất cập này dẫn tới nhiều xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai thiếu cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số dù có 60-99% dân số là người dân tộc thiểu số.
Cán bộ công chức Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh MỘC TRÀ) |
Khó khăn trong tạo nguồn, bố trí cán bộ trẻ đang là điểm chung của các đơn vị, địa phương của Bắc Kạn. Trong đó có nguyên nhân khách quan là do biên chế ngày càng giảm, việc đào tạo, giới thiệu, xem xét quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trẻ khó khăn. Tại Huyện ủy Pác Nặm, nhiều năm nay, số lượng biên chế của địa phương đã được tỉnh giao ở mức tối thiểu. Khi Trung ương quy định giảm 10% số lượng cán bộ hiện có thì từ số lượng tối thiểu tiếp tục phải giảm thêm đã khiến cho việc hoạt động của các đơn vị gặp khó khăn. Chỗ thiếu người làm muốn tuyển mới cán bộ, nhưng tuyển rồi thì vướng yêu cầu tinh giản theo quy định.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tháng 8/2022, Tỉnh ủy Bắc Kạn đề ra ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp là phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý; lựa chọn cán bộ; thực hiện các khâu trong công tác cán bộ. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn Phương Thị Thanh, là tỉnh miền núi khó khăn nên nguồn lực dành cho công tác tạo nguồn cán bộ trẻ chưa đáp ứng, nên rất cần thêm các cơ chế, chính sách từ Trung ương. Đây cũng là khó khăn chung của các địa phương khu vực miền núi, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đặt ra yêu cầu phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ từ 10% trở lên, tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là những chỉ đạo quan trọng, các cấp ủy địa phương, đơn vị cần quán triệt sâu sắc để tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ lớn mạnh, vững vàng, đủ sức đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.