Nhóm "siêu trộm" gây ra 13 vụ trộm cắp xe máy nhãn hiệu Honda Wave khai nhận hành vi phạm tội tại cơ quan Công an

Xu hướng tăng

Giữa tháng 10 vừa qua, Công an TP. Huế phá thành công chuyên án, làm rõ nhóm “siêu trộm” gây ra 13 vụ trộm cắp mô tô trên địa bàn. Quá trình đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận, chỉ trong hơn 2 tháng (từ ngày 30/7 đến khi bị bắt) đã thực hiện trót lọt 13 vụ trộm cắp xe máy nhãn hiệu Honda Wave.

Một trong những điểm đáng chú ý ở vụ án chính là độ tuổi của nhóm đối tượng này còn rất trẻ. Cụ thể: Châu Viết Nhật Huy (SN 2007), Nguyễn Văn Lợi (SN 2006), Châu Thanh Phước (SN 2007), Tôn Thất Thịnh (SN 2008), Nguyễn Văn Trường (SN 2006), Nguyễn Hoàng Phúc (SN 2007) và Châu Viết Phúc (SN 2007). Trong đó, còn có Nguyễn Thành Đạt chưa đủ 14 tuổi (SN 2010). Quá trình củng cố hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đã tiến hành bắt tạm giam đối với Châu Viết Nhật Huy và Nguyễn Văn Lợi; đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm số đối tượng còn lại.

Theo thông tin từ Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP. Huế, tình trạng các nhóm đối tượng là trẻ vị thành niên gây ra nhiều vụ trộm cắp trên địa bàn không còn là chuyện hiếm. Điển hình, giữa tháng 7 vừa qua, nhóm đối tượng Lê Văn Quân (SN 2009), Đoàn Phi Hồng (SN 2009)… gây ra vụ trộm gần 5,5 triệu đồng tại một salon cắt tóc trên đường Ngô Gia Tự. Hay đối tượng Nguyễn Đôn Hòa (SN 2009) và Nguyễn Hoàng Nam (SN 2010) liên tiếp gây ra nhiều vụ trộm cắp tại quán cà phê ở đường Nguyễn Sinh Cung và đường Hai Bà Trưng vào đầu tháng 8.

Tuy nhiều lần phạm tội, nhưng Nguyễn Đôn Hòa và Lê Văn Quân là người dưới 16 tuổi nên không đủ cấu thành tội phạm, Đội CSHS Công an TP. Huế đã củng cố, hoàn thiện hồ sơ để áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng. Bên cạnh đó, tiến hành xử phạt đối tượng Đoàn Phi Hồng và Nguyễn Hoàng Nam để tiếp tục tích lũy hồ sơ thanh, thiếu niên vi phạm, áp dụng giáo dục tại địa phương theo quy định.

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSHS Công an TP. Huế cho biết, điểm chung của những nhóm đối tượng này là những thanh, thiếu niên ăn chơi, lêu lổng, thiếu sự kèm cặp và quản lý của gia đình. Cũng vì nguyên nhân đó mà các em thường xuyên gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản..., thậm chí là liên quan đến tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy.

Kết hợp tuyên truyền, giáo dục

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Thực tế cho thấy, việc xử lý tội phạm là trẻ vị thành niên gặp không ít khó khăn theo quy định pháp luật hiện nay, đặc biệt đối với thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nhiều lần. Vấn đề này cũng được đưa ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội với những ý kiến như: Giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cần những chế tài mạnh tay hơn để răn đe… Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đến vai trò tuyên truyền, giáo dục và đồng hành của gia đình, nhà trường, xã hội để các em không bước vào, hoặc trở lại con đường phạm tội.

Cùng chung quan điểm trên, chị Nguyễn Phương Uyên (TP. Huế) có hai con trai 14 và 16 tuổi chia sẻ: “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bậc làm cha, làm mẹ khi thiếu sự kèm cặp, giáo dục con em mình. Đây là gốc rễ của vấn đề thay vì đổ lỗi do hoàn cảnh khách quan, rồi khi xảy ra chuyện mới hối hận thì đã quá muộn màng”.

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSHS Công an TP. Huế chia sẻ, nhiệm vụ của lực lượng chức năng là tập trung đấu tranh với các đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Trong đó, chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan áp dụng các biện pháp theo quy định đối với đối tượng vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, mong muốn các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương chung tay hỗ trợ, giáo dục nhóm đối tượng này để các em từng bước thay đổi nhận thức, tránh trở lại con đường lầm lỡ.

Bài, ảnh: Minh Nguyên