Du khách tìm đến công ty lữ hành để được tư vấn kỹ thông tin các tour du lịch, tránh bị lừa đảo |
Hàng loạt chiêu trò
Mới đây, trang fanpage của Vedana Lagoon resort & spa (huyện Phú Lộc) đã phát đi thông báo, cảnh báo để lưu ý khách hàng cảnh giác tránh bị lợi dụng bởi trang fanpage giả. Cụ thể, trong thời gian gần đây, đã xuất hiện trang fanpage giả mạo Vedana Lagoon trên facebook với tên là Vedana Lagoon Wellness resort & spa đăng tải thông tin y hệt trang Vedana Lagoon resort & spa dẫn dụ khách hàng đặt phòng với giá rẻ hơn để chiếm đoạt tiền của khách hàng và đã có nhiều khách hàng mắc bẫy.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện các chiêu trò lừa đảo du lịch trên mạng. Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết, tình trạng lừa đảo du lịch trên mạng diễn ra từ nhiều năm nay, với thủ đoạn hết sức tinh vi. Mặc dù ngành du lịch, các cơ quan chức năng liên tục phát đi các cảnh báo, khuyến cáo người dân và du khách về các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trường hợp mắc bẫy chỉ vì nhu cầu du lịch giá rẻ và chưa tìm hiểu kỹ thông tin.
Vedana Lagoon resort & spa phát thông báo cảnh báo người dân và du khách tránh bị lừa đảo |
Tháng 8/2024, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 83 người chuyển tiền đặt mua tour du lịch online. Đây là một trong những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ nhu cầu du lịch của du khách được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Trên thực tế, có nhiều thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo khác được cơ quan chức năng cảnh báo.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng, có nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người có nhu cầu đi du lịch. Có thể kể đến là làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán cùng con dấu của công ty. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Chiêu trò, thủ đoạn thứ hai là các đối tượng chạy quảng cáo những bài đăng với nội dung bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ, nhiều ưu đãi kèm theo. Khi có nạn nhân tiếp cận, đối tượng mời chào và đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc khoảng từ 30-50% giá trị. Sau khi đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân tự khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ... nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn thứ ba là quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi người dân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để người dân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do người khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.
Các đối tượng cũng dùng thủ đoạn mạo danh đại lý bán vé máy bay, tạo lập những website/fanpage của các công ty du lịch uy tín, mạo danh đại lý vé máy bay, tạo các website, trang mạng xã hội, địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự website thật của hãng. Ngoài ra, nhiều người dân có thói quen đặt vé online phục vụ nhu cầu đi du lịch, về quê… dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn cử như một số khách hàng mua vé nhận được thẻ lên tàu bị cạo sửa thông tin như giá vé, đối tượng khuyến mãi, ngày đi tàu, ga đi ga đến… nên không có giá trị đi tàu.
Thủ đoạn thứ năm là làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Đối tượng sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo, thực hiện cuộc gọi video để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.
Nâng cao cảnh giác
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, ngành du lịch và các cơ quan chức năng luôn nỗ lực để xây dựng một môi trường du lịch an toàn - thân thiện - hấp dẫn, kiểm soát các vấn nạn ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Tuy nhiên, trước các thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi, người dân và du khách cần nêu cao tinh thần cảnh giác.
Một số du khách đi du lịch tự túc và tìm hiểu thông tin trên các trang mạng (Ảnh minh họa) |
Du khách có nhu cầu đi du lịch cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch; nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng khách sạn, vé máy bay của những công ty hoặc ứng dụng du lịch uy tín; lựa chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký). Trong trường hợp thấy khả nghi, người dân, du khách cũng có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... của công ty lữ hành, du lịch và cảnh giác với các gói du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay có mức giá quá rẻ. Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên miền.
Thanh tra Sở Du lịch cho hay, để dẫn dụ khách mắc bẫy, thông thường tên miền các website giả gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm một số ký tự. Sau khi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay, cần xác nhận lại thông tin đặt phòng từ khách sạn đã đặt, thông tin vé máy bay từ hãng. Người dân tuyệt đối không nhận chuyển khoản hay thanh toán hộ cho những đối tượng không rõ danh tính; nên kiểm tra kỹ nội dung biên lai và chỉ nên thực hiện khi chắc chắn tài khoản của mình nhận được tiền của đối tượng. Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.
Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, ngành du lịch Thừa Thiên Huế có Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ du khách hoặc liên hệ qua tổng đài hỗ trợ du khách 0234.382.8288. Với những thông tin chưa đầy đủ và còn hoài nghi, du khách có thể liên hệ để tìm hiểu, tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.