Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên phát động phong trào “Đường sắt - đường hoa” ở địa bàn TP. Huế |
Nghe chị gái kể chuyện đi tàu ngắm những cung đường hoa, tôi nhớ lại phong trào “Đường tàu - đường hoa” do ngành đường sắt Việt Nam phát động tại tất cả các tỉnh, thành có tuyến đường sắt đi qua từ tháng 3/2023. Kế hoạch của ngành này đưa ra để thực hiện tại các khu ga, trụ sở, văn phòng làm việc của các đơn vị đường sắt, các cung đường, trạm chắn, các dải đất dọc hai bên đường tàu phải trồng một loại hoa mang đặc trưng vùng, miền với phương châm “Mỗi cung đường - một loại hoa”.
Ban đầu nghe ngành đường sắt phát động phong trào trồng hoa, tôi nghĩ chỉ làm “phong trào”. Thế nhưng, khi Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên hưởng ứng triển khai trồng hàng nghìn cây hoa đủ loại từ cầu An Hòa đến cầu Dã Viên và dọc theo tuyến đường sắt chạy qua trung tâm TP. Huế dài gần 3km khiến tôi hào hứng, đánh giá cao ý tưởng làm mới hình ảnh thân thiện, gần gũi với thiên nhiên của ngành đường sắt Việt Nam.
Hiện nay cung đường sắt đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế dài hơn 110km, trong đó nhiều đoạn hai bên trải dài những thảm hoa rực rỡ khá ấn tượng, đẹp mắt. Thành quả này không chỉ của ngành đường sắt, mà còn nhờ những người dân sống cạnh đường ray tham gia trồng…
Mới đây có việc ghé ra đường Lê Duẩn, TP. Huế khi ngang cung đường sắt, tôi gặp bà Lê Thị Hoàng đang tỉa tót những luống hoa giấy trắng đỏ đang độ bung nở đẹp mắt. Trước đây, đường tàu trước nhà bà không có cây xanh, từ khi ngành đường sắt phát động trồng hoa hai bên với phương châm xã hội hóa, bà cho rằng đó là ý tưởng hay nên hào hứng tham gia. Bà Hoàng nói, ở dọc tuyến đường sắt này hiện nay rất nhiều người dân tham gia trồng hoa giấy, huỳnh liên, tường vi… Do mới trồng chưa lên đều, nhưng tầm 1-2 tháng đến sẽ tạo điểm nhấn dọc theo cung đường sắt và hạn chế được tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định, làm mất vệ sinh môi trường.
Cũng nhiều tháng nay, hành khách vào ga Huế hoặc qua khu vực gác chắn Kim Long, hay Ghi bắc ở khu vực giao với cầu Lòn (đường Bùi Thị Xuân, TP. Huế) đã thấy nhiều luống hoa giấy, tường vi, dâm bụt... được người dân và ngành đường sắt trồng phát triển đồng đều rất đẹp. Những dải đất trống quanh trạm gác chắn hay những phần sân trạm cũng có nhiều vườn hoa lớn, nhỏ và cả những chậu hoa rực rỡ khiến cho đường tàu, trạm gác chắn thêm mềm mại, duyên dáng.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Việt Nam, với hơn 3,1 ngàn km, đi qua 34 tỉnh, thành với nhiều cung đường được bình chọn là cung đường đẹp nhất thế giới, có nhiều nhà ga là di tích lịch sử - văn hóa. Khi bắt đầu phát động phong trào “Đường tàu - đường hoa”, ngành đường sắt kỳ vọng những cung đường ấy hình thành đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch để hành khách trải nghiệm, qua đó giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế.
Một thành viên thuộc Hội Kiến trúc sư Thừa Thiên Huế chia sẻ, họ đánh giá cao ý tưởng hình thành tuyến đường hoa dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam. Theo vị này, tùy vào những hành lang rộng, hẹp hai bên để chọn trồng các loại cây hoa phù hợp sẽ càng tôn thêm cảnh quan hai bên tuyến đường sắt đi qua, cũng góp phần tôn thêm vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.