Lần đầu tiên trên vùng cát xã Quảng Thái, mô hình trồng dưa lưới bằng công nghệ cao được người dân địa phương đưa vào canh tác

Lần đầu tiên trên vùng cát xã Quảng Thái, mô hình trồng dưa lưới bằng công nghệ cao được người dân địa phương đưa vào canh tác. Ông Trần Trọng, trú tại thôn Trung Kiều, xã Quảng Thái chia sẻ: “Năm 2023, trên diện tích đất cát trồng cây tràm nhiên liệu, tôi đã mạnh dạn cải tạo, đầu tư các nhà màng với tổng diện tích 2.100m2 để trồng các loại dưa lưới Đông Phong, Ichiba và dưa lê Kim hoàng hậu”.

Toàn bộ quá trình chăm sóc cây dưa lưới được ông Trọng sử dụng phân bón hữu cơ sinh học và tuân thủ đầy đủ quy trình trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và chính quyền địa phương, mô hình trồng dưa lưới của ông Trần Trọng là hướng phát triển mà huyện Quảng Điền cần nhân rộng.

Trên vùng cát xã Quảng Vinh, ông Nguyễn Thuận đang chăn nuôi lợn, gà theo công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Chuồng trại được xây dựng đảm bảo quy mô lớn, theo hướng hàng hóa. Hệ thống xử lý rác, nước thải, chất thải trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn. Đàn lợn luôn duy trì 200-300 con cả nái lẫn lợn thịt và hàng ngàn con gà thương phẩm mỗi lứa”, ông Nguyễn Thuận kể.

Còn tại xã Quảng Thọ, nhiều hộ dân đã đưa vào sản xuất rau má hữu cơ, rau má sản xuất theo hướng VietGAP cùng với các vườn mẫu trồng hoa, rau màu theo hướng hữu cơ. Hiện, Quảng Thọ đã xây dựng được mô hình HTX số tại HTX Sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ 2. Nhiều HTX và nông dân các xã: Quảng Thành, Quảng Phú, Quảng An… cũng mạnh dạn đầu tư trồng cà chua trong nhà lưới, nấm linh chi hộ gia đình.

Ông Nguyễn Cho ở thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú cho hay: “Tư duy của người dân đã thay đổi nhiều. Họ không chỉ biết phát triển các loại mô hình, cây con mới, mà xác định trồng, chăn nuôi cây, con gì cũng phải sạch, theo hướng hữu cơ để đem lại nhiều giá trị, lợi ích cho bản thân cũng như người tiêu dùng”.

Trong câu chuyện với một số nông dân ở Quảng Điền, họ cho rằng, thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp không chỉ xóa bỏ được tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mà còn tạo ra được những sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo đà phát triển để Quảng Điền có thêm nhiều loại nông sản có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường.

“Một số loại nông sản bản địa trước đây chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương, thì nay đã trở thành hàng hóa, như: Rau xanh Quảng Thành, mướp đắng Quảng Thái, rau má Quảng Thọ, mắm, nước mắm Tân Thành (Quảng Công)…”, ông Phan Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền thông tin.

Quảng Điền là địa phương đầu tiên của tỉnh thành lập được Tổ hợp tác trồng rau hữu cơ – nơi quy tụ các thành viên có nhiều kinh nghiệm trong trồng rau hữu cơ trên địa bàn. Tổ hợp này không chỉ là nơi sinh hoạt, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên, nông dân trên cùng một lĩnh vực, nghề nghiệp sản xuất, mà còn từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả canh tác; tạo chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

Mới đây, huyện Quảng Điền đã tiếp tục ký kết liên kết, hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mục tiêu hướng đến là duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ đã ổn định, có hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các HTX sản xuất nông nghiệp, vận động người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng cho lúa và hoa màu để hướng đến mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP trên địa bàn.

“Tuy còn những khó khăn, tồn tại, nhưng với quyết tâm lớn nhất, Quảng Điền sẽ là địa phương dẫn đầu của tỉnh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cung cấp các loại nông sản sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Lê Ngọc Bảo tin tưởng.

Diện tích 10ha trồng lúa hữu cơ tại HTX Nông nghiệp Đông Vinh, xã Quảng Vinh cho năng suất ổn định từ 63- 65 tạ/ha. Đây là chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định có hiệu quả. Trên địa bàn huyện Quảng Điền cũng có 9 hộ dân chăn nuôi lợn hữu cơ, với tổng đàn lợn thường xuyên 30 lợn nái và 300 lợn thịt, cho thu nhập mỗi hộ từ 50-80 triệu đồng/năm…


Bài, ảnh: PHONG ANH