Người dân Mỹ kỷ niệm Ngày Trái đất tại Washington. Ảnh PEW/AP |
Kể từ Thỏa thuận Paris năm 2016, nhóm G20 gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 9 năm qua đã đưa ra một số chính sách nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2. Nhờ các bước đi đã thực hiện cho đến nay của các quốc gia như Mỹ và Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác, thế giới hiện sẽ có thể giảm lượng khí thải CO2 xuống 6,9 gigaton vào năm 2030, theo báo cáo của Climate Action Tracker.
Mặc dù những nỗ lực của các quốc gia này vẫn chưa đủ để kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức từ 1,5 - 2 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp như mục tiêu của Hiệp định Paris, nhưng đây được xem là sự cải thiện đáng kể so với dự báo năm 2015, cho thấy tiến trình của các Hội nghị khí hậu COP đã có một số tác động trong việc giảm thiểu các mối nguy hiểm về khí hậu mà thế giới phải đối.
Trong một thành tựu lớn, các chính sách mới (chủ yếu là hỗ trợ năng lượng tái tạo và loại bỏ dần các nhà máy điện gây ô nhiễm cao) được hầu hết các quốc gia áp dụng khiến lượng khí thải CO2 hiện được dự đoán sẽ trở lại mức năm 2015 vào cuối thập kỷ này. Ngược lại, các nghiên cứu trước đây cho rằng lượng khí thải CO2 sẽ tăng 20% trong giai đoạn 2015-2030.
Leonardo Nascimento, một nhà phân tích tại Climate Action Tracker, tin rằng đây là một tia hy vọng lớn, một sự cải thiện đáng kể trong nhóm các quốc gia chiếm hơn 80% lượng khí thải toàn cầu.
Các phân tích cho thấy Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden - hỗ trợ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, ủng hộ xe điện và hiệu quả năng lượng - là lý do chính đưa Mỹ lên vị trí dẫn đầu G20 về dự báo cắt giảm CO2 từ năm 2015 đến năm 2030. Đạo luật này giúp Mỹ có thể giảm 2 gigaton (Gt) CO2, vượt xa Ấn Độ đứng thứ hai với 1,4Gt, Liên minh châu Âu đứng thứ ba và Vương quốc Anh với 1,1Gt. Tuy nhiên, thành quả này có thể bị tác động trong nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump khi có khả năng ông sẽ đưa quốc gia hùng mạnh nhất thế giới ra khỏi các cuộc đàm phán về khí hậu COP và hủy bỏ các ưu đãi về năng lượng tái tạo được đưa ra trong chính quyền hiện tại.
Song song đó, các nhà phân tích cũng thừa nhận những bước tiến lớn về khí hậu đến từ các quốc gia đang phát triển khác như Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - và cũng là quốc gia phát thải lớn nhất toàn cầu - đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và dự kiến sẽ đạt được một số mục tiêu về khí hậu năm 2030 sớm hơn 6 năm và lượng phát thải CO2 của nước này có thể sẽ đạt đỉnh vào năm tới.
Theo ghi nhận của Climate Action Tracker, trong khi nhiên liệu hóa thạch đang tăng theo đường thẳng thì năng lượng tái tạo đang tăng theo cấp số nhân. Sự dịch chuyển này rõ ràng đang diễn ra nhanh hơn dự kiến.
Đáng giá về vấn đề này, ông Nascimento cho rằng mặc dù chính sách khí hậu toàn cầu đã có những cải thiện, nhưng nhìn chung, tiến trình vẫn còn “ảm đạm”. “Các quốc gia cần phải tăng cường đáng kể các nỗ lực để có thể duy trì cơ hội đạt được mục tiêu kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Tốc độ cải thiện hiện tại đơn giản là không đủ”, ông Nascimento nhấn mạnh.