Huỳnh Sương (phải), Thanh Thảo (trái) - 2 gương mặt nữ tiềm năng của Taekwondo Huế. Ảnh: Trần Pháp |
1 - Phong trào là nền tảng để phát triển thể thao đỉnh cao. Thể thao phong trào càng lan tỏa, cơ hội xuất hiện VĐV xuất sắc bổ sung lực lượng cho thể thao đỉnh cao càng nhiều. Nhưng với Taekwondo Huế, điều này chỉ đúng trên lý thuyết.
Giải Taekwondo trẻ các CLB Thừa Thiên Huế được tổ chức thường niên. Đây là giải đấu hội tụ võ sĩ trẻ xuất sắc nhất của các CLB trên địa bàn tỉnh. Dẫu vậy, 10 năm trở lại đây, số VĐV được chọn vào đội tuyển tỉnh qua giải đấu này đếm chưa hết ngón trên 1 bàn tay.
Góc độ xa hơn, tính từ năm 1990, trong 34 năm, tuyển Taekwondo tỉnh có khoảng 700 VĐV “ra - vào” nhưng chỉ có hơn 10 VĐV khoác áo đội tuyển tỉnh được phát hiện, tuyển chọn từ phong trào. Còn kể từ khi chính thức thành lập bộ môn vào năm 2000, đến nay, Taekwondo Huế chưa hề có VĐV từ phong trào khoác áo tuyển Quốc gia.
Nguyên nhân, VĐV tập luyện tại các CLB không hoàn toàn giống như ở đội tuyển tỉnh, nên để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong thi đấu đỉnh cao, VĐV tuyển chọn từ phong trào phải được đào tạo lại. Nhưng do có thời gian tập ở CLB khá lâu, một số động tác, kỹ thuật đã trở thành “phản xạ không điều kiện” nên dù HLV bỏ ra rất nhiều thời gian để huấn luyện, VĐV phong trào chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu.
Khía cạnh khác, đa phần VĐV tại CLB tập luyện chủ yếu để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân chứ không hướng đến thi đấu đỉnh cao. Chính vì vậy, một khi được tuyển chọn lên đội tuyển tỉnh, sự gắn bó, độ nhiệt huyết, cần cù, mục tiêu phấn đấu… của các VĐV này khó phát huy tối đa, cũng như có thể trụ lại ở sân chơi đỉnh cao.
2 - Có sự “ngầm hiểu”, muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao, hay thậm chí đặt mục tiêu đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Và, cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.
Cũng như nhiều bộ môn trọng điểm nhóm 1, Taekwondo Thừa Thiên Huế nhận được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất… Dẫu vậy, những đầu tư này chưa đáp ứng đủ nhu cầu khiến thành tích tại các giải đấu lớn thời gian qua không như mong đợi. Cụ thể, từ khi thành lập cho đến nay, Taekwondo Huế chưa có HCV tại ĐH Thể thao toàn quốc, chưa có suất tham dự SEA Games…
Thật ra, việc gia tăng thành tích của Taekwondo Huế ở các đấu trường lớn không phải chuyện quá khó. Áp dụng chiến thuật “đi tắt - đón đầu” để đào tạo và đăng ký tranh tài ở các hạng cân lớn trên 87kg cả ở nam lẫn nữ có thể giải quyết được mục tiêu này. Hay nói như lời HLV Trưởng bộ môn Taekwondo tỉnh Phạm Ngọc Thành, nếu áp dụng thì giành HCV tại ĐH Thể thao toàn quốc lần thứ X - 2026 là dư sức.
“Nhưng do bộ môn có chưa đến 20 chỉ tiêu, trong khi con số này của các tỉnh, thành bạn là “vài chục”, nếu tuyển VĐV các hạng cân lớn thì buộc lòng phải gạt lứa VĐV vừa mới đào tạo theo số lượng tương ứng. Điều này rất khó để thực hiện, cả về tình lẫn chuyện đường dài”, HLV Phạm Ngọc Thành chia sẻ.
3 - Ngoài lực lượng, thầy trò HLV Phạm Ngọc Thành cũng đang đối mặt với tình cảnh “giật gấu vá vai” trong tập luyện, thi đấu do thiếu trang, thiết bị.
Xu thế hiện nay, kể khi tập luyện, VĐV cũng được trang bị tất cảm biến (có gắn chip điện tử). Điều này không chỉ giúp làm quen, mà khi thi đấu ở các trận đối kháng, VĐV sẽ “canh” chuẩn xác lực các đòn đánh của mình vào mũ, vào giáp đối phương để “ăn” điểm. Nhưng với việc chỉ được trang bị 5 đôi tất cảm biến, trong khi, yêu cầu tối thiểu 1 VĐV phải được trang bị 1 đôi khiến thầy trò HLV Phạm Ngọc Thành chỉ có thể tập tuần 1 buổi với tất cảm biến, số ngày còn lại là “tập chay”.
“Các đơn vị khác 1 tuần tập 3, 4 thậm chí 5 buổi, còn Taekwondo Huế không chỉ 1 tuần/buổi mà phải đến sát ngày thi đấu mới “dám” đem ra tập, bởi nếu tập sớm, tập nhiều khiến tất hỏng thì lúc thi đấu không biết lấy đâu ra. Nói chung đang rất thiếu thốn”, HLV Phạm Ngọc Thành cảm thán.
Ngoài tần suất tập luyện ít, thiếu thốn khiến VĐV buộc phải luân phiên dùng chung tất, thì do cùng size, trong khi VĐV có thể hình, kích cỡ bàn chân không đồng nhất nên có lúc, VĐV có bàn chân dài, to phải dùng tất cảm biến có size nhỏ, hoặc ngược lại. Điều này chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tập luyện, thi đấu của VĐV.
Taekwondo Thừa Thiên Huế đang đào tạo một lứa VĐV trẻ từ 13-15 tuổi với kỳ vọng từ đây đến năm 2030 sẽ đổi màu huy chương tại ĐH Thể thao toàn quốc và có suất tham dự SEA Games. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này, rõ ràng cần phải tính toán lại “mệnh đề”: “Muốn đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao - Để đạt thành tích cao thì cần đầu tư mạnh” sao cho hợp lý.