Vua Bảo Đại đang được kiệu ra khỏi điện Cần Chánh trong lễ đăng quang qua ảnh tư liệu của người Pháp. Ảnh được số hóa bởi Nguyễn Phong |
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” sẽ được động thổ cùng thời điểm với nhiều sự kiện quan trọng nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Như vậy, sau 77 năm kể từ khi bị phá hủy hoàn toàn, điện Cần Chánh mới có cơ hội được hồi sinh.
Với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” sẽ được triển khai thực hiện trong 4 năm. Theo Quyết định 2301/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt dự án, công trình có quy mô diện tích khoảng 1ha. Trong đó, tập trung tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh với các hạng mục: Tu bổ, gia cường nền móng, bó vỉa, bậc cấp theo nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ chân tảng đá thanh; nền lát gạch hoa; phục hồi tường bao bằng gạch vồ… Đặc biệt, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, liên ba, cửa; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ hệ khung gỗ. Với hệ mái, phục hồi mái lợp ngói ống Hoàng lưu ly; bờ nóc, bờ quyết, ô hộc, con giống khảm sành sứ và trang trí mái trước bằng pháp lam...
Dự án cũng sẽ tôn tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm: Hệ thống điện chiếu sáng nội thất, đèn lồng, đèn ngoại thất; hệ thống phòng cháy chữa cháy; camera an ninh…
Năm 2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện khai quật khảo cổ học nền điện Cần Chánh |
Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế thông tin, quá trình nghiên cứu về điện Cần Chánh đã được triển khai từ hàng chục năm trước, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Nổi bật là các chuyên gia của Đại học Waseda, Nhật Bản. Trung tâm cũng đã triển khai nghiên cứu, thu thập được rất nhiều tư liệu, hình ảnh quý về công trình di tích này. “May mắn là nguồn tư liệu ảnh về di tích điện Cần Chánh khá phong phú, cùng với sử liệu, Châu bản Triều Nguyễn, công trình cùng thời kỳ đồng dạng, kết quả của đợt khảo cổ trước đó (năm 2023, do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì phối hợp với Trung tâm BTDTCĐ Huế thực hiện) đã có thêm nguồn cứ liệu khoa học, chân xác cho việc triển khai phương án phục hồi di tích điện Cần Chánh”, ông Trung nói.
Theo sử liệu, điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), đến khi bị thiêu hủy hoàn toàn vào năm 1947, chỉ còn sót lại phế tích là phần nền móng, công trình từng được tu sửa 20 lần với những mức độ khác nhau. Cùng với điện Thái Hòa (Đại triều chính điện, nơi tổ chức các đại lễ của triều đình) và điện Càn Thành (Nhật triều chính điện, nơi ăn ở sinh hoạt riêng tư của hoàng đế), điện Cần Chánh là một trong 3 ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn, nằm trên trục thần đạo. Đây là nơi làm việc của các vua nhà Nguyễn, tổ chức thiết triều và yến tiệc trong những dịp khánh hỷ, tiếp đón các sứ bộ quan trọng. Trước khi bị thiêu hủy, Cần Chánh là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành - Đại Nội. Công trình có kết cấu: chính điện có 5 gian và 2 chái kép, tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn.
Ngôi điện được các học giả phương Tây đánh giá là công trình đẹp và lộng lẫy nhất hoàng cung Triều Nguyễn và có thể xem là bộ mặt của quốc gia vào thời đó. Nội thất được sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo với những mo-tip trang trí đặc trưng của phong cách mỹ thuật cung đình Nguyễn, sự bài trí không gian nội thất theo nguyên tắc đăng đối trục tạo nên sự uy nghi đặc thù của kiến trúc cung điện.
Trải qua 143 năm tồn tại (1804 - 1947), điện Cần Chánh gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị quân chủ phong kiến thời Nguyễn, thể hiện quyền lực của vương triều và thiết chế chính trị Việt Nam thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Việc triển khai dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.