Khách du lịch tham quan vịnh Maya, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhằm đạt được sự giảm thiểu cần thiết, WTTC cho hay, du lịch biển và ven biển sẽ cần khoản đầu tư hàng năm là 30 tỷ USD để giảm phát thải trực tiếp, và tổng nhu cầu lên tới 65 tỷ USD khi bao gồm cả các nỗ lực thích ứng với khí hậu.

Được biết, trong năm 2023, du lịch biển và ven biển đã tạo ra trực tiếp 1,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 52 triệu việc làm trên toàn cầu. Du lịch biển và ven biển cũng chiếm khoảng 50% tổng chi tiêu của khách du lịch trên toàn cầu. Mặc dù có tầm quan trọng về mặt kinh tế, nhưng dấu chân môi trường của ngành này đòi hỏi các biện pháp giảm thiểu và thích ứng nhanh chóng.

Theo báo cáo “Khí hậu và đại dương: Định lượng du lịch biển và ven biển, bảo vệ các điểm đến”, được phối hợp thực hiện bởi Hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics và Tập đoàn Iberostar Group, du lịch biển và ven biển đóng góp trực tiếp 0,8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2023, tương đương với 390 triệu tấn CO2.

Các điểm đến ven biển trên toàn thế giới, đặc biệt là những điểm đến ở các khu vực dễ bị tổn thương phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng, thời tiết khắc nghiệt và xói mòn bờ biển.

Các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển và các khu vực ven biển Thái Bình Dương nói riêng đang phải chịu áp lực nghiêm trọng, với tình trạng di dời liên quan đến khí hậu và tổn thất kinh tế gia tăng, đặt ra những thách thức cấp bách. Điều này cho thấy, các khoản đầu tư vào hành động khí hậu không chỉ cần thiết mà còn cấp bách.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành WTTC Julia Simpson cho rằng: “Du lịch biển và ven biển là nguồn sống của hàng triệu người trên toàn cầu, tạo ra 1,5 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Nhưng ngành này đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu. Bảo vệ bờ biển và sinh vật biển không chỉ là nhu cầu về môi trường; mà còn là mệnh lệnh xã hội. Việc giảm tác động môi trường của du lịch biển và ven biển có thể cần 65 tỷ USD mỗi năm”.

“Với giá trị kinh tế và xã hội của du lịch ven biển, chúng tôi kêu gọi các chính phủ, các tổ chức phát triển và doanh nghiệp lữ hành & du lịch hành động ngay bây giờ để bảo vệ những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng này”, bà Julia Simpson nói thêm.

Đáng chú ý, các giải pháp khí hậu đang chứng minh tác động tích cực. Trong đó, Dự án Hành động rừng ngập mặn ở Nai Nang (Thái Lan) cho thấy phục hồi rừng ngập mặn có thể bảo vệ bờ biển và xây dựng khả năng phục hồi.

Qua đó, WTTC kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng đoàn kết để bảo vệ các điểm đến du lịch biển và ven biển. Với khoản đầu tư vào giảm thiểu và thích ứng, những khu vực này có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế, đồng thời bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên cho các thế hệ tương lai.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ WTTC)