Một cuộc thi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức 

Nạn nhân không tố giác

Theo thống kê từ Công an tỉnh, toàn tỉnh có gần 319.000 hộ gia đình. Hàng năm xảy ra rất nhiều vụ bạo lực gia đình như bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể, bạo lực kinh tế… Người gây bạo lực chủ yếu là nam và nạn nhân là nữ. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, có 4 vụ xảy ra và 4 đối tượng vi phạm đã được phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, theo đánh giá, con số trên chỉ là bề nổi, còn rất nhiều vụ bạo lực gia đình chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Do đó, tình trạng bạo lực gia đình còn diễn biến hết sức phức tạp, âm ỉ trong đời sống xã hội.

Tâm lý của một số nạn nhân bạo lực gia đình, thường là phụ nữ rất còn e ngại, sợ sệt, cam chịu hoặc chưa nhận thức đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình nên không tố giác và khai báo, chỉ đến khi hậu quả quá nghiêm trọng mới trình báo cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, năng lực can thiệp và cơ chế phối hợp của các cơ quan đoàn thể, ban, ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu quyết liệt.

Việc tố cáo các hành vi bạo lực gia đình trong Nhân dân còn hạn chế dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực gia đình đối với nhiều vụ việc chưa được kịp thời. Công tác xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về bạo lực gia đình đựợc quan tâm tổ chức thực hiện tại cộng đồng chủ yếu là góp ý, hòa giải, phê bình tại khu dân cư, phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền nên chưa mang tính răn đe, cảnh tỉnh. Chính bạo lực gia đình đã làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gây tan vỡ hạnh phúc gia đình, tác động xấu đến sự hình thành nhân cách, phát triển tâm lý và môi trường giáo dục của thế hệ trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và an ninh trật tự.

Bà Hứa Thị Thu Mỹ, chuyên viên Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, để đối phó với vấn nạn bạo lực gia đình, thời gian qua tỉnh đã xây dựng và nhân rộng 83 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra còn có 228 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình sẵn sàng phản ứng nhanh, kịp thời can thiệp các vụ bạo lực, 687 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 389 đường dây nóng và 897 tổ hòa giải hoạt động tại các thôn, tổ dân phố để kịp thời bảo vệ nạn nhân, tiến hành hòa giải bước đầu đối với các vụ việc có phát sinh mâu thuẫn nhằm hạn chế bạo lực gia đình xảy ra.

Thiết lập đường dây nóng

Ông Dương Hồng Lam, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm dần. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình đựợc tiến hành kịp thời. Ông Lam cho rằng, công tác gia đình vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó có việc chưa đầu tư nguồn lực thích đáng cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình, cán bộ thực hiện công tác gia đình kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Công tác tuyên truyền có nơi còn hạn chế, chưa có những hình thức phù hợp đối với Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhất là đối với vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình...

Để ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình trên địa bàn, đại diện Công an tỉnh cho biết, đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời đôn đốc các đơn vị chức năng kịp thời điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình. Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả quy trình tiếp nhận và xử lý tin báo liên quan đến bạo lực gia đình, thiết lập đường dây nóng và cơ quan can thiệp khẩn cấp xử lý kịp thời các trường hợp bạo lực gia đình, duy trì đầu mối, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.

Trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình

Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Sở chính là trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình. Theo đó, cùng với công tác hòa giải ở cơ sở, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục các quy định pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình cho các đối tượng yếu thế, như: nạn nhân của bạo lực gia đình, trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Qua đó, góp phần giảm thiểu phát sinh các tranh chấp trong gia đình, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng gia đình tiến bộ, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, nạn nhân của bạo lực gia đình, giúp người dân có cái nhìn đúng đắn về trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình trong đời sống ngày nay.


Bài, ảnh: NHẬT MINH