Một livestream thiếu lành mạnh trên mạng xã hội 

Đến nhà một người bạn cùng cơ quan chơi, thấy cậu con trai của bạn chừng 8 tuổi nằm ở ghế sô pha, trên tay đang cầm một chiếc điện thoại xem cái gì đó có vẻ rất chăm chú, miệng thì cứ lẩm bẩm nói theo “chào idol giới trẻ”, “tối lên bar quẩy nhé”.

Khi người mẹ gọi lớn thì cháu mới giật mình bật dậy, rồi nhìn sang tôi và nhanh miệng nói trong vô thức: “Cháu chào idol”. Lúc này người mẹ lại gằn giọng: Ai dạy con nói kiểu đó vậy. Người mẹ giật cái điện thoại trên tay thì thấy, cậu bé đang xem livestream của 3 - 4 thanh niên đang cởi trần, trên mình đầy hình xăm đang nói chuyện đạo lý. Lúc được hỏi vì sao con lại mở được những cái này thì cậu bé trả lời: “Vào tiktok nhiều lắm mẹ ạ”.

Trường hợp của cậu bé không phải hiếm gặp. Vì quá bận công việc nên nhiều bố mẹ thường giao điện thoại cho con, như cách để giữ con. Nhưng giữ chân không bằng giữ được ý thức cho chính các con. Trên các phương tiện truyền thông đã đề cập không ít trường hợp các cháu nhỏ làm theo hướng dẫn từ những cuộc livestream trên mạng; lâu dần ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần vì bị nhiễm vào những thông tin kích động đó.

Không chỉ có thế, chị Hoa, (trú TP. Huế), một nhân viên văn phòng chia sẻ: Hàng ngày, khối lượng công việc của chị rất nhiều, không có thời gian để đi mua sắm những vật dụng nhỏ cần thiết. Nên mỗi tối trước khi đi ngủ, chị thường tranh thủ vào xem những phiên livestream trên mạng để mua đồ. Nhưng thời gian gần đây, chị cảm thấy rất ức chế và khó chịu vì cứ mở máy lên là thấy họ toàn livestream chửi nhau, nói chuyện giang hồ, thậm chí những chuyện gia đình riêng tư.

“Ban đầu là livesream trực tiếp để bán hàng, sau đó không biết vì muốn tăng tương tác hay sao mà người ta lại livesream cả đám cưới nhà hàng xóm, gia đình tranh cãi, thậm chí cả chuyện đòi nợ… Chuyện gì cũng đưa lên mạng, cái gì cũng có thể lên livestream phát sóng trực tiếp; xem thấy ức chế, ngao ngán”, chị Hoa nói thêm.

Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, hình thức livestream để bán hàng đã mở ra cơ hội thu nhập cho rất nhiều người; hơn nữa, thông qua hoạt động này giúp người dùng mạng xã hội có thể giao lưu, tương tác, chia sẻ những câu chuyện một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số người lạm dụng và sử dụng “quá lố” tính năng này dẫn đến ức chế cho người xem. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, điều chỉnh kịp thời thì chắc “đùa quá hóa thật”.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, rà soát chặt chẽ việc livestream vào các mục đích xấu, gây hại cho người dùng, đưa ra những chế tài cụ thể, xử phạt thật nặng những tài khoản đó. Có như thế, không gian mạng mới thật sự trong sạch.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hơn ai hết các bậc cha mẹ cần theo sát con, không để con quá tự do và theo dõi những livestream thiếu lành mạnh. Về phía những người livestream, trước khi muốn livestream lên mạng xã hội, mỗi người cần tự rèn cho mình ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Nên cân nhắc thật kỹ, làm chủ hành động mình đang thực hiện để việc livestream sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, không làm ảnh hưởng, tạo ức chế cho người xem.

Bài, ảnh: AN KHANG