Giáo viên tìm hiểu dự án "Trường học hạnh phúc". Ảnh: ELI |
Học sinh được phát triển tối ưu
Năm 2018, ELI chọn Huế để triển khai thí điểm dự án “Trường học hạnh phúc ở Việt Nam”. Có 9 trường công lập ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ phông được tham gia dự án. “Trường học hạnh phúc” lấy cảm hứng từ mô hình Happy Schools của UNESCO. UNESCO xác định 22 tiêu chí xoay quanh 3 chữ P. People (con người), gồm các tiêu chí: Tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc, kỹ năng và năng lực của giáo viên. Process (hệ thống), bao gồm các yếu tố như: Khối lượng công việc hợp lý và công bằng, tinh thần hợp tác và làm việc nhóm, phương pháp giảng dạy và học tập hấp dẫn, tự do, sáng tạo… Place (môi trường) gồm môi trường học tập thân thiện, an toàn, không gian xanh…
Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, Chủ tịch ELI chia sẻ, mong muốn thành lập sáng kiến giáo dục “Trường học hạnh phúc” xuất phát từ mối quan tâm sâu sắc của ông đến sự an lạc của học sinh, đặc biệt là sau khi ông xem báo cáo phản ánh những vấn đề đáng báo động tại Đông Nam Á của UNESCO. Mặc dù kết quả học tập ở các quốc gia này khá cao, nhưng báo cáo cũng chỉ ra các vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến sự an lạc của học sinh, như: sự căng thẳng, kiệt sức, bắt nạt học đường và đáng buồn nhất là các trường hợp học sinh tự tử. Những phát hiện này nêu bật yêu cầu xem xét lại trọng tâm của giáo dục, nhằm chuyển từ việc học thuần túy sang nuôi dưỡng con người một cách tổng thể.
Bài học thực hành trong dự án “Trường học hạnh phúc”. Ảnh: ELI |
Happy Schools hướng đến mục tiêu tạo ra một môi trường khai phá, kết hợp một cách hài hòa giữa học tập và hạnh phúc. Về bản chất, sáng kiến này hướng đến một phương pháp giáo dục không chỉ phát triển thành tích học tập, mà còn hỗ trợ sức khỏe tinh thần, sự kết nối xã hội và nhận thức về môi trường. Bằng cách lồng ghép các hoạt động chú tâm, học tập xã hội - cảm xúc và các cơ hội để học sinh kết nối với thiên nhiên, Happy Schools tìm cách tạo ra một không gian nơi học sinh có thể phát triển tối ưu. Tầm nhìn này giúp phát triển những cá nhân toàn diện, giàu lòng trắc ẩn, được trang bị các kỹ năng để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống, nuôi dưỡng các mối quan hệ tích cực, duy trì sự cân bằng giữa sự phát triển cá nhân và thành tích học tập.
Happy Schools hướng đến 3 thành tố của sự quan tâm. Đầu tiên là dạy cho giáo viên và học sinh tự quan tâm chính mình, tăng cường khả năng nhận thức về các nhu cầu thể chất, cảm xúc và xã hội, biết cách quản lý những cảm xúc khó (tiêu cực) và nuôi dưỡng trạng thái tâm trí tích cực để thúc đẩy sự an lạc. Thứ hai là quan tâm đến người khác và xã hội, từ đó tạo dựng những mối quan hệ tin tưởng và lâu dài. Học các kỹ năng xã hội như lòng trắc ẩn, vị tha, rộng lượng, lắng nghe sâu, giao tiếp phi bạo lực, quản lý xung đột. Thứ ba là quan tâm đến môi trường và hành tinh.
Theo quan niệm của ELI, thầy cô phải hạnh phúc, học sinh mới hạnh phúc. Nếu thầy cô căng thẳng, không thoải mái thì rất khó đem lại sự thoải mái cho học trò. Vì thế, chương trình tập huấn của dự án dành cho giáo viên trước. “Sự chuyển hóa nội tâm của nhà giáo là chìa khóa để thay đổi nền giáo dục. Học sinh chỉ có thể hạnh phúc khi người thầy hạnh phúc. Chỉ có giáo viên mới có thể hỗ trợ nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc, đó là lý do vì sao ‘Trường học hạnh phúc’ ra đời”, GS. Hà Vĩnh Thọ nói.
Giáo viên thay đổi
ELI đã xây dựng, triển khai và đánh giá một cách khoa học chương trình đào tạo giáo viên “Trường học hạnh phúc”, nhằm trao quyền cho giáo viên thực hiện những “kỹ năng hạnh phúc” trong lớp học. Dự án trang bị cho giáo viên năng lực chú tâm và các năng lực học tập cảm xúc – xã hội. Sau khóa đào tạo, giáo viên được khuyến khích thực hành và suy ngẫm về trải nghiệm của chính mình. Cùng với sự hiểu biết về lớp học, giáo viên có thể ứng dụng theo cách sáng tạo phù hợp với học sinh và bối cảnh trường học.
Gặp các cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn “Trường học hạnh phúc”, ai cũng tỏ ra phấn chấn, dự án đã giúp họ thay đổi trước tiên. Họ giải tỏa những căng thẳng, tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc và cuộc sống. Cô giáo Nguyễn Trần Nhật Nguyệt, giáo viên Trường tiểu học Thuận Thành là một trong những giáo viên tham gia dự án từ những ngày đầu tiên. Chị học được các kỹ thuật khoa học để quản lý cảm xúc, như tập trung vào hơi thở, không hành động vội vàng và nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tích cực. Điều này giúp chị thoát khỏi những áp lực tiêu cực: “Bản thân tôi cũng có những cảm xúc, nỗi buồn không vượt qua được. Tinh thần không thoải mái thì công việc không hiệu quả. Khi thực hành bài học, tôi “gỡ” được những cảm xúc khó, cảm thấy thoải mái, yêu đời hơn và có năng lượng tích cực”.
Cô Nguyệt cũng chiêm nghiệm, thông thường, khi có cảm xúc quá mạnh, con người sẽ hành động hoặc nói những lời gây tổn thương. Hàng ngày, làm việc với học sinh, điều này dễ gây tổn thương cho các em. Trải qua quá trình rèn luyện, chị nhận biết được cảm xúc và biết cách điều tiết, kiềm chế. Việc này giúp xây dựng các mối quan hệ xung quanh tốt đẹp, hòa nhã và thân thiện hơn. Các mối quan hệ với học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh cũng trở nên tốt hơn trên cơ sở chia sẻ, cảm thông, lắng nghe, tôn trọng nhau và không phán xét, chê bai. Nhờ vậy, công việc của giáo viên cũng thuận lợi hơn.
Ví dụ, nếu trước đây, học sinh đi học muộn, Nguyệt rất bực và sẽ có hình thức phạt. Bây giờ, cô đặt mình vào trường hợp của trò, đi học muộn sẽ rất lúng túng, sợ hãi nên khi học trò xin vào lớp, cô sẽ chỉ cười, mời em vào lớp và hỏi vì sao đi học muộn. “Nếu la học trò, các em sẽ mang cảm xúc sợ hãi vào lớp, chiếm ngự trong đầu và không thể tiếp thu bài giảng. Một thay đổi đơn giản giúp tôi cảm thấy hạnh phúc và học sinh cũng vậy. Vào đầu giờ học, tôi thường hỏi hôm nay các con đi học cảm thấy thế nào và các bạn chia sẻ cảm xúc. Sự quan tâm của giáo viên cũng tạo năng lượng, sự thoải mái và cởi mở cho học sinh trong mỗi buổi học”, Nhật Nguyệt chia sẻ.
Với thầy giáo Đoàn Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, sau khi tham gia khóa đào tạo của dự án, ông thực sự thay đổi và vợ con ông là những người “hưởng lợi” đầu tiên. Công tác quản lý công việc ở trường cũng trở nên nhẹ nhàng. “Dự án “Trường học hạnh phúc” không thay đổi gì trong bộ máy quản lý, nhưng tạo ra sự thay đổi trong ứng xử. Cả trường hơn 80 giáo viên, không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều hoàn thành công việc xuất sắc. Nhưng, với sơ suất của giáo viên, cách lãnh đạo ứng xử thế nào rất quan trọng. Việc phê bình gay gắt trước hội đồng không mang lại hiệu quả, mà cần có cách ứng xử phù hợp. Sự thấu hiểu, chia sẻ cũng giúp người khác nhận ra cái sai và sửa đổi. Hơn nữa, thầy cô có năng lượng tích cực mới lan truyền được cho các em học sinh và học sinh cũng vậy”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, bà Võ Thị Tú Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành cho hay, trong giáo dục, việc nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và xử lý những cảm xúc mạnh của trẻ là những kỹ năng đầu tiên cần rèn luyện cho trẻ mà chúng tôi học được. Để lan truyền được những cảm xúc tích cực, trước hết, giáo viên phải luôn mang trong mình cảm xúc tích cực. Nói cách khác, giáo viên phải là người hạnh phúc.
(Còn nữa)