Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học thực hành kỹ năng tại lớp tập huấn PCTT. Ảnh: HCTĐ |
Cẩm nang
Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Theo thống kê, có 21 loại hình thiên tai thường xảy ra ở miền Trung. Những năm gần đây, khí hậu biến đổi cực đoan gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, cướp đi sinh mạng nhiều người.
Mới đây, tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (QLĐĐ & PCTT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cùng sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai và sơ cấp cứu khi bị thương cho 400 học sinh (HS) khối 10. Nhiều câu hỏi thiết thực, giải đáp sát sườn, các chia sẻ hữu ích từ chuyên gia giúp buổi tập huấn trở nên sôi nổi.
Em Trần Ngọc Minh Xuân, HS lớp 10 chuyên Lý nêu quan điểm, cần phân biệt các hình thái thiên tai để lường trước cường độ tác động nhằm có phương án phòng, chống phù hợp. Còn Võ Trọng Đạt, lớp 10 chuyên Hóa muốn học kỹ năng di chuyển an toàn khi nước ngập, do nhà em ở khu vực thấp trũng trong nội thành. “Nếu có một phần mềm cập nhật các tuyến đường bị ngập, cảnh báo độ nông sâu, nguy hiểm mỗi khi mưa bão, em nghĩ sẽ rất thiết thực và hữu ích với mọi người”, Đạt chia sẻ.
Qua buổi tập huấn, một số ý kiến nhìn nhận người ở vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ sẽ có nhiều kỹ năng hơn những người khác nhờ kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều học sinh khẳng định, cần trang bị kỹ năng phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro (PCTTGNRR) nhằm đảm bảo sự an toàn cho bản thân.
Bà Nguyễn Thị Phúc Hòa, chuyên gia của một dự án PCTT cho rằng, kiến thức, kỹ năng PCTTGNRR như một cẩm nang hỗ trợ cho các em trong mùa mưa bão. Trước hết, phải nhận diện được những loại hình thiên tai để ứng xử phù hợp. Hiện nay, có rất nhiều công nghệ cập nhật diễn biến thời tiết, các trang thông tin cộng đồng hoặc có thể dựa vào kinh nghiệm của người cao tuổi, thông báo từ chính quyền sở tại. Một khi đã có kiến thức thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân trong thiên tai, các em sẽ phát huy tốt những hiểu biết trong sinh hoạt hàng ngày. Những kỹ năng cá nhân này nếu được nhân rộng, lan tỏa không chỉ đảm bảo an toàn cho mỗi người mà còn góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong tương lai.
Xây dựng trường học an toàn, đề xuất sáng kiến an toàn
Với trường học vùng ven, vùng thấp trũng, càng chủ động trong kế hoạch PCTT, việc giảng dạy cho HS càng tốt hơn. Để xây dựng trường học an toàn cần xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai, tổ chức diễn tập ứng phó với thiên tai. Tăng cường giáo giục PCTTGNRR trong trường học, giáo viên sẽ được đào tạo về các chương trình, cung cấp tài liệu PCTTGNRR; giáo viên và HS được tham gia các hoạt động giáo dục PCTTGNRR, nội dung này tích hợp vào chương trình học giúp các em biết cách ứng phó với thiên tai.
Có gần 1.200 học sinh, hơn 50% trong số này nằm ở vùng thấp trũng (Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ), Trường THPT Hương Vinh (TP. Huế) chủ động lên phương án PCTT, xây dựng trường học an toàn từ đầu năm. Hàng năm, nhà trường liên hệ với Hội Chữ thập đỏ TP. Huế và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức lớp sơ cứu ban đầu cho cán sự và giáo viên chủ nhiệm các lớp; sau đó triển khai đại trà vào giờ sinh hoạt cuối tuần. Nhà trường còn phối hợp với bộ môn giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất lồng ghép kỹ năng phòng, chống đuối nước trong tiết học.
Nói về sự chủ động, thầy Lê Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh cho hay: “Mùa mưa bão, ban giám hiệu cập nhật dự báo thời tiết qua các kênh; đồng thời liên hệ với chủ tịch các phường thấp trũng nơi có HS của trường trao đổi tình hình thực tế, sau đó hội ý cho các em nghỉ học ngay nhằm đảm bảo an toàn. Thời gian tới, trường sẽ tập huấn kỹ năng PCTTGNRR theo từng khối, để các em hiểu rõ và trang bị kiến thức kỹ năng cơ bản khi rời trường.
Dưới góc độ là đơn vị hỗ trợ, tập huấn, ông Trần Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh thông tin: “Trang bị kiến thức và huấn luyện kỹ năng sơ, cấp cứu cho học sinh rất thiết thực. Mỗi năm, Tỉnh hội tập huấn khoảng 20 lớp sơ, cấp cứu cho thanh niên Chữ thập đỏ trường học (học sinh THPT) với 650 học sinh. 20 lớp này tổ chức thành 3 ngày/1 lớp, gồm 24 tiết. Học viên được huấn luyện 10 kỹ năng sơ, cấp cứu theo Chương trình Tình nguyện viên sơ, cấp cứu cấp 1. Song song với chương trình trên, các trường THPT, THCS tổ chức giờ học ngoại khóa, mời Tỉnh hội tập huấn sơ, cấp cứu và phòng, chống tai nạn thương tích cho hàng ngàn học sinh”.
Trong một chương trình về PCTT tại Huế, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLĐĐ & PCTT thông tin, trước tình trạng HS khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, Cục QLĐĐ & PCTT phát động phong trào đưa đón trẻ đi học, đi theo nhóm, trông giữ trẻ tập trung... Kết quả đã giảm thiệt hại đáng kể về con người. “Do đó, các sáng kiến, mô hình đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn sẽ phát huy hiệu quả cho quá trình PCTT ở mỗi địa phương”, ông Tiến gợi ý.