Ông Quý chăm sóc đàn bò |
Giới thiệu ông Lê Quý là hộ điển hình trên địa bàn triển khai hiệu quả mô hình sinh kế được hỗ trợ từ dự án bò thương phẩm, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia, Lê Văn Thuấn thông tin thêm: “Sẽ khó gặp được ông Quý ở nhà, bởi suốt ngày ông theo chân đàn bò”.
Quả thật, khi mặt trời bắt đầu ngả về phía núi, “ông chủ” của đàn bò 11 con vẫn chưa về. Chúng tôi theo người dẫn đường ra “hiện trường”. Lúc này, ông Quý đang từ cánh đồng phía sau làng băng qua khu nghĩa địa, lùa đàn bò về chuồng. Lão nông 71 tuổi vui vẻ nói rằng, bất kể nắng hay mưa đều phải chăm chăm theo sát đàn bò, để vừa dẫn chúng đến những vùng cỏ tốt lại quản không để bò ăn hoa màu, lúa của bà con.
Đưa đàn bò về chuồng, lấy rơm khô, cho cám vào máng để bò ăn đêm xong, ông Quý bắt đầu “ngược thời gian”, kể những thăng trầm, những biến cố tưởng khó có thể gượng dậy. Ngày trước, ông Quý là công nhân cầu đường. Khi lớn tuổi, ông quyết định nhận chế độ trợ cấp 1 lần rồi nghỉ việc. Vợ chồng ông Quý nuôi mấy con heo nái để bán giống; rồi nuôi gà, làm 2 mẫu ruộng. Cuộc sống ở thôn quê khá thong dong.
Tai ương ập đến khi con trai ông Quý (lúc đó ngoài 20 tuổi) bị tai nạn lao động, phải nằm liệt giường. Ở tuổi xế chiều, nhưng để có tiền chạy chữa cho con, đưa con vào Nam, ra Bắc đi khắp các bệnh viện tìm thầy tìm thuốc, vợ chồng ông Quý đã phải nỗ lực lao động gấp nhiều lần.
Người mẹ chăm sóc đứa con phải nằm một chỗ, đến nghiêng mình cũng phải có người hỗ trợ. Người cha xoay vòng với đàn lợn có khi lên đến 40 con. “Trong chuồng lúc đó thường có 10 con nái đẻ, 8 con lợn đực giống, trên dưới 20 lợn thịt”- ông Quý nhớ lại.
Dịch tả lợn châu Phi ập đến, như một cơn lốc xoáy cuốn phăng tất cả sức lao động của đôi vợ chồng già. Ông Quý kiên trì tiếp tục nuôi thêm mấy lứa lợn nữa. Nhưng dịch cứ tái đi tái lại, tất cả vốn liếng, công sức đều mất trắng, ước tính cũng mấy trăm triệu đồng. “Thời điểm đó, gia đình tôi kiệt quệ, suy sụp. Cũng may địa phương hỗ trợ mấy chục triệu đồng, tôi có thêm chút ít để trả nợ tiền mua con giống, mua thức ăn chăn nuôi. Tiếp đến, gia đình tôi được hỗ trợ bò giống. Vợ chồng già lại quyết tâm làm lại từ đầu bằng cặp bò giống là sự khích lệ của Nhà nước, chính quyền”- ông Quý kể với niềm biết ơn.
Ông Quý mạnh dạn gom góp tiền bạc mua thêm 4 con bò giống, rồi tập trung toàn thời gian để chăm sóc, phát triển đàn bò. Nói về công việc nhọc nhằn, nhưng gương mặt lão nông cứ rạng rỡ niềm vui. Bởi ông biết, những ngày hè cháy nắng đổ mồ hôi theo chân đàn bò đi khắp các ruộng đồng bờ bãi; hay những ngày đội mưa gió ngồi thu lu ngoài đồng canh cho đàn bò gặm no cỏ, tất cả đều sẽ được đền đáp xứng đáng trong nay mai. Ông Quý khoe, sau khi phát triển đàn, ông đã bán được 4 con bò thịt. Mỗi con bò có giá từ 10 - 15 triệu đồng, để trang trải những việc quan trọng. Đàn bò 11 con bây giờ thì có đến 6 con bò cái đang mang thai. Ông Quý háo hức chờ đợi lứa bò con sắp chào đời, để đàn bò ngày càng nhân lên.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia, ông Lê Văn Thuấn nhận xét, ông Quý là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất ở địa phương. Dù gặp bất kỳ nghịch cảnh nào, ông cũng nỗ lực hết mình để vượt qua; tuy tuổi cao nhưng vẫn luôn miệt mài chăm chỉ lao động, không ngại khó, ngại khổ.