CĐCS thuộc Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh tổ chức hội thi nấu ăn trong đoàn viên, người lao động 

Người lao động yên tâm

Tại Khu công nghiệp Phú Bài, Công đoàn cơ sở Công ty CP Tài Phát là một trong những đơn vị đi đầu trong ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Bản TƯLĐTT tại công ty không chỉ đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động, mà còn đưa ra nhiều điều khoản có lợi hơn so với quy định pháp luật.

Theo ông Bạch Văn Thạnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Tài Phát, quá trình thương lượng không chỉ dựa trên việc tuân thủ quy định mà còn lắng nghe mong muốn thực sự của người lao động. “Chẳng hạn, về tiền xăng xe, công nhân trên địa bàn phường Phú Bài được hỗ trợ một tháng 150 nghìn đồng/người, ngoài phường Phú Bài được hỗ trợ 300 nghìn đồng/người. Công nhân làm việc đủ thời gian quy định được tăng lương một lần, mỗi người lao động được trang bị 4 bộ đồ lao động/năm. Những người lao động có sáng kiến trong lao động sản xuất đều được khen thưởng cuối năm, công nhân là quân nhân xuất ngũ có chế độ ưu tiên riêng. Lao động nữ mang thai còn được giảm 1 giờ làm việc mỗi ngày mà vẫn hưởng đủ lương”, ông Thạnh cho biết.

Chị Trần Thị Hạnh, một công nhân tại công ty chia sẻ: “Những điều khoản này khiến tôi cảm thấy công ty không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà còn thực sự trân trọng người lao động. Nhờ đó, tôi yên tâm làm việc và sẵn sàng gắn bó lâu dài”.

Theo ông Hồ Văn Hào, Giám đốc Công ty CP Tài Phát, việc hợp tác với công đoàn để ký kết TƯLĐTT đã giúp công ty nâng cao hình ảnh doanh nghiệp và duy trì sự gắn bó của người lao động, giảm thiểu các xung đột nội bộ, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng lao động.

Không chỉ Công ty CP Tài Phát, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tích cực thực hiện các sáng kiến trong TƯLĐTT. Nổi bật trong các TƯLĐTT là các nội dung liên quan đến tiền ăn ca và chế độ nâng lương. Theo anh Nguyễn Xuân Thịnh, cán bộ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 3 nhóm lao động tập thể chính gồm: nhóm y tế, nhóm vệ sinh công nghiệp và nhóm xây dựng. Hầu hết các nhóm này đều thống nhất đưa vào TƯLĐTT các điều khoản như hỗ trợ suất ăn ca từ 25.000 đến 30.000 đồng, tăng lương từ 5% đến 10% trong vòng từ 1 đến 3 năm, áp dụng quy chế thưởng lương đột xuất. “Những điều khoản này không chỉ giúp người lao động cải thiện điều kiện sống mà còn mang lại sự yên tâm, tạo động lực để họ cống hiến nhiều hơn,” anh Thịnh chia sẻ.

Chú trọng kỹ năng thương lượng

Để công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp xây dựng được những bản TƯLĐTT chất lượng, có những điều khoản có lợi nhất cho người lao động, các cấp công đoàn luôn chủ động phối hợp các doanh nghiệp để xây dựng chính sách phù hợp. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng thương lượng, đối thoại cho đội ngũ cán bộ công đoàn, giúp họ trở thành những người đại diện hiệu quả cho người lao động.

Ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thông tin: “Đối thoại và thương lượng tập thể không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lợi người lao động, mà còn giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động và phát triển bền vững. Khi cả hai bên cùng thấu hiểu và đồng thuận, sẽ tạo nên một môi trường lao động hài hòa, tiến bộ”.

Tuy vậy, công tác đối thoại và thương lượng tập thể vẫn đối mặt với những thách thức. Bên cạnh những TƯLĐTT được dày công xây dựng vì quyền lợi cho người lao động, còn có nhiều TƯLĐTT mang tính đối phó, nội dung sao chép, chắp vá, vay mượn, một số bản TƯLĐTT gần giống như nội quy của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, hoặc chưa hiểu rõ lợi ích của việc ký kết TƯLĐTT. Chưa kể, việc giám sát thực hiện sau khi ký TƯLĐTT chưa thể hiện rõ nét. Để khắc phục tình trạng này, LĐLĐ tỉnh đã tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ các công đoàn cơ sở và đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của TƯLĐTT. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền và quản lý các thỏa ước cũng sẽ được áp dụng. Các thỏa ước có lợi hơn cho người lao động sẽ được nhân rộng thông qua hệ thống thư viện TƯLĐTT, tạo nguồn tham khảo phong phú cho các doanh nghiệp khác.

Mới đây, LĐLĐ tỉnh đã ban hành chương trình “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể” giai đoạn 2023-2028, nhằm nâng cao số lượng và chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, TƯLĐTT; xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của cán bộ công đoàn các cấp; đầu tư đủ nguồn lực để thực hiện công tác đối thoại, thương lượng tập thể. Qua đó, góp phần tạo việc làm bền vững, cải thiện tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên, người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN