Nhiều công trình khoa học có tính ứng dụng cao được vinh danh tại các giải thưởng lớn 

“Sống lại” nhờ kỹ thuật y học cao

Cách đây gần 1 năm, bác Lê Thị H. (Vinh Hà, Phú Vang) đã thoát khỏi cửa tử thần nhờ đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương (BVTƯ) Huế vì bị nghẽn mạch máu não. Trên đường đến BVTƯ Huế, bác H. chỉ còn giao tiếp với người thân bằng ngôn ngữ “cử chỉ” của cánh tay phải. Thế mà khi chạy đua với thời gian tính bằng phút trên ca phẫu thuật của đội ngũ y, bác sĩ ở Trung tâm này, giờ đây bác H. đã gần như bình phục hoàn toàn… Trường hợp của bác H. là một trong hàng trăm người mà tôi biết gần đây đã vượt qua cửa tử nhờ BVTƯ Huế. Đó là chứng bệnh mà giới y khoa gọi là tắc nghẽn mạch máu não hiện đang khá phổ biến không chỉ cướp đi sinh mạng sống người già mà còn thanh niên, trẻ nhỏ. Thế nhưng, với những ca bệnh như vậy không còn là nỗi lo của mọi người, mọi nhà, nhờ đội ngũ y, bác sĩ BVTƯ Huế tiến hành "Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị đột quỵ não do tắc mạch máu lớn nội sọ cấp tính trên nền hẹp mạn tính" từ những năm về trước.

Trong cuộc trò chuyện gần đây, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Trung tâm Đột quỵ, BVTƯ Huế chia sẻ, tắc mạch máu não lớn là một thể đặc biệt chiếm 24-38% trong đột quỵ nhồi máu não, dễ gây tử vong hoặc tàn phế. Thực trạng này đã thôi thúc nhóm y, bác sĩ đầu ngành của BVTƯ Huế không ngại khó nghiên cứu công trình trong nhiều năm rồi cùng nhau vỡ òa trong niềm hạnh phúc, khi kết quả cho thấy đã giúp gần 90% các trường hợp tắc cấp động mạch lớn trên nền hẹp được tái thông thành công, giúp gần 80% số bệnh nhân qua điều trị đã trở lại cuộc sống bình thường. Kết quả công trình này đã giới thiệu, đăng đàn trong nhiều hội nghị khoa học trong, ngoài nước và được các nhà khoa học nhận định công trình không chỉ đo đếm tính bằng tiền mà giá trị mang lại tối ưu nhất là cứu sống con người.

Không chỉ thành công với công trình trên, gần đây, BVTƯ Huế đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu trong y học, đột phá, uy tín trong điều trị các ca bệnh khó, hiếm gặp, như ghép thận, ghép tim, ghép gan… đã tạo thương hiệu, ghi tên lên bản đồ điều trị, chữa trị bệnh khó trên trường quốc tế. BVTƯ Huế đã trở thành địa chỉ uy tín, khẳng định vị thế chăm lo sức khỏe cộng đồng, thu hút ngày càng nhiều trường hợp trong, ngoài nước đến điều trị đa dạng bệnh lý.

"Tương phùng" với BVTƯ Huế, đội ngũ cán bộ thuộc Trường đại học Y - Dược Huế, Đại học Huế thời gian gần đây đã nghiên cứu nhiều công trình y khoa khẳng định uy tín trung tâm chuyên sâu về y học ở khu vực miền Trung và cả nước. Bình quân hàng năm, Trường đại học Y - Dược Huế, Đại học Huế cho ra đời hàng chục đề tài, công trình nghiên cứu cấp bộ, cấp tỉnh. Trong đó nhiều đề tài đã đoạt được nhiều giải thưởng: Hồ Chí Minh, Nhân tài Đất Việt, Cố đô về KHCN...

Đi cùng với thành phố Trung ương

Qua những dịp trò chuyện với Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh - Hồ Đắc Thái Hoàng, tôi nghiệm ra những lời nhận định chân lý rằng: Thừa Thiên Huế vốn rất giàu tiềm năng và lợi thế thiên nhiên, đất đai… Bên cạnh đó cũng có vốn quý là giàu nguồn nhân lực, yếu tố chất xám tri thức khá hùng hậu khi so sánh với hai đầu đất nước chẳng kém cạnh. Mà nhân tố chất xám, nhân tố con người thể hiện rõ nhất là đội ngũ các nhà khoa học đang là một lực lượng mạnh, đã, đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua các đề tài, các công trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng khoa học vào thực tiễn.

Một con số thống kê rất rõ từ Sở KH&CN trong thời gian gần đây, gần 70% kết quả nhiệm vụ KHCN được ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn thông qua chuyển giao cho các ngành, lĩnh vực, địa phương. Đây là những con số biết nói mà các nhà khoa học ở địa phương đã “bắt cầu” để các doanh nghiệp, người dân, địa phương đưa vào cuộc sống để trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Thừa Thiên Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - một vận hội mới của tỉnh nhà đang tiếp tục mở ra và tạo cơ hội cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, cống hiến nhiều sản phẩm hữu dụng trên tất cả các lĩnh vực ở địa phương. Điều này càng thể hiện rõ khi mới đây các quy hoạch lớn của tỉnh, Trung ương giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 cũng đã xác định nhân tố con người - các nhà khoa học để nâng tầm thành phố Trung ương lên tầm cao mà bạn bè trong, ngoài tỉnh đang khát vọng.

Bằng những hướng đi và mục tiêu hướng đến, Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước trong các lĩnh vực KHCN, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với chất lượng cao. Trên nền tảng đang có được, ngoài yếu tố say mê của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, Thừa Thiên Huế đã có hệ thống hạ tầng và thiết chế KHCN cơ bản hoàn chỉnh, như các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các viện, phân viện, trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành, địa phương...  đáp ứng phục vụ nghiên cứu các lĩnh vực thế mạnh, như: Khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ sinh học, y, dược... Bên cạnh đó, sẽ xây dựng và hình thành các thiết chế mới như: Trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung, Khu công viên khoa học, Khu Y tế công nghệ cao, Khu công nghệ cao quốc gia tại Huế... Đồng thời, tiếp tục nâng cấp các trung tâm, bảo tàng... của ngành KHCN để tăng năng lực nghiên cứu cũng như cung ứng các dịch vụ KHCN cao tạo đột phá mới cho thành phố di sản cảnh quan, thân thiện với môi trường và có sức bật trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm biến đối khí hậu không chỉ ở cấp độ ở địa phương mà cho khu vực miền Trung và cả nước.

Hoài Thương