Một góc KCN Phong Điền 

Đổi thay

Hơn 10 năm làm ăn xa, chị Lê Thị Hà (tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) mới trở về thăm nhà đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh ở quê mình. Chị vẫn nhớ, trước đây thị trấn Phong Điền nhỏ bé, nhà cửa lụp xụp, đi đâu cũng chỉ thấy cát và cát… Nhưng giờ đây, quê hương đã khác, nhiều tuyến đường nhỏ nâng cấp, mở rộng; nhiều nhà hàng, quán ăn, dịch vụ trao đổi mua bán, xe lớn, xe nhỏ, người ra vào, qua lại đông vui…

Không chỉ người xa quê lâu ngày, mà chính người dân sở tại cũng thấy rõ ngoài trung tâm thị trấn Phong Điền, ở phía đông, phía tây của huyện cũng đã khác trước rất nhiều. Anh Hoàng Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền thông tin: Mấy năm nay nhờ triển khai nhiều giải pháp tích cực nên Phong Điền huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá kết nối từ thị trấn Phong Điền về vùng đông, vùng tây. Chỉ riêng khu vực thị trấn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các trục chính qua trung tâm, cải tạo vỉa hè hai bên QL1A, cải tạo cảnh quan, công viên, nhà văn hóa, sân vận động đa năng, cũng như mở rộng đường Vân Trạch Hòa, Văn Lang và các trục chính qua trung tâm… Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường liên xã được đầu tư, như tuyến Khúc Lý - Mỹ Xuyên dài hơn 8km, kinh phí hơn 75 tỷ đồng để nối thị trấn Phong Điền gần hơn làng cổ Phước Tích (Phong Hòa).

Ấn tượng nhất vẫn là tuyến Phong Điền - Điền Lộc dài hơn 16km với tổng vốn đầu tư hơn 568 tỷ đồng, hiện đã cơ bản hoàn thiện để kết nối trung tâm huyện lỵ Phong Điền về biển Điền Lộc. Đây cũng là “huyết mạch” hướng lên phía tây qua TL9 kết nối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn… tạo nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.

Bà Trần Thị Thu Huyền, Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết: “Đường Phong Điền - Điền Lộc là niềm mơ ước, nay đã trở thành hiện thực không chỉ của người dân Phong Chương mà cả những địa phương trên tuyến. Cơ hội mở ra trước mắt đã giúp người dân địa phương thuận lợi trong việc trao đổi, giao thương hàng hóa với các nơi…”.

Vui hơn là gần đây, Phong Điền đã kết nối trong các quy hoạch lớn của tỉnh, Trung ương trở thành trung tâm kinh tế năng động ở cửa ngõ phía bắc. Tại phía đông của huyện, vài năm đến sẽ hình thành cảng biển Điền Lộc trên cơ sở đã được quy hoạch cảng trung chuyển hàng hóa, tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 DWT. Khu công nghiệp (KCN) Phong Điền cũng được mở rộng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn. Vùng đồi, gồm các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn… được quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, cùng với các dự án phát triển du lịch sinh thái, hồ thác, di tích lịch sử vùng chiến khu xưa…

Đường Phong Điền - Điền Lộc đã kết nối vùng đồi về biển 

Hướng tới thị xã

Với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, Phong Điền đã tập trung thực hiện các đề án, quy hoạch và các chương trình trọng điểm để phù hợp thực tế.

Theo đó, huyện đã sắp xếp giảm từ 16 đơn vị hành chính xuống còn 12 đơn vị và tập trung xây dựng các đô thị, gồm 6 phường: Phong Thu (thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu); Phong Hải (xã Điền Hải và Phong Hải); Phong Phú (xã Điền Lộc và Điền Hòa); Phong Hòa; Phong An; Phong Hiền.

Mỗi đô thị phường đều có chức năng, vai trò riêng phù hợp với điều kiện, đặc điểm thực tế của từng địa phương trên cơ sở hàng chục quy hoạch chung, riêng đã triển khai từ năm 2021 đến nay. Mỗi quy hoạch được công bố không ngoài mục đích đảm bảo khớp nối hạ tầng, vừa tạo động lực để từ xã lên phường, đáp ứng các tiêu chí cụ thể cho đô thị. Hiện tại, ngoài huy động các nguồn lực đầu tư chỉnh trang hạ tầng ở thị trấn Phong Điền (trung tâm huyện), các đô thị vệ tinh, như cụm An Lỗ (Phong An, Phong Hiền) giáp phía bắc của TX. Hương Trà mở rộng dịch vụ thương mại; đô thị Điền Lộc kết nối Điền Hòa, Điền Hải từng bước mở dịch vụ biển, nuôi trồng thủy sản…

Khi cả tỉnh tăng tốc để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phong Điền lại càng quyết tâm cao với đích đến thị xã. Rất nhiều hội nghị liên quan đến xây dựng đô thị loại IV, Phong Điền thành thị xã đã được thảo luận mang tính cởi mở, dân chủ, mổ xẻ từng lát cắt trong lĩnh vực kinh tế và những hạn chế từ thực tế ở cơ sở… để kịp thời tháo gỡ hoặc có sự đầu tư đúng hướng.

Điều dễ thấy là thời gian qua, bên cạnh đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, Phong Điền đã chú trọng đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, tinh gọn bộ máy. Phong Điền đã chú trọng đến công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm, hỗ trợ sinh kế cho người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng các chương trình kinh tế trọng điểm, khai thác tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, khai thác biển, du lịch dịch vụ, nhất là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được xem là mũi kinh tế đột phá ở địa phương. KCN Phong Điền hiện đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài địa phương. Với sự phối hợp cùng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, KCN Phong Điền hiện đã mở rộng lên hơn 1.200ha, thu hút được 25 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hơn 17.000 lao động...

Ông Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền chia sẻ, hiện nay “tâm thức phố” đang hiển hiện trong mỗi cán bộ, người dân Phong Điền. Bởi gần đây họ đã thấy những chuyển động rất mới ở quê nhà, đó là hạ tầng khang trang, phong trào xây dựng đô thị văn minh ngày càng lan tỏa sâu rộng. Các địa phương còn “đi trước một bước” kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, xây dựng Phong Điền trở thành thị xã là mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Phong Điền lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mặc dù vẫn còn những hạn chế do yếu tố khách quan nhưng hy vọng sự thống nhất, đoàn kết trong mỗi việc làm của tập thể cán bộ, sự ủng hộ, tin tưởng từ người dân, Phong Điền sẽ là một thị xã trẻ phát triển nhanh, vững chắc.

Minh Văn