Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, phát triển bền vững đã trở thành một xu thế của thời đại, định hướng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Trong đó, phát triển bền vững về kinh tế được là coi là trụ cột nền tảng, là tiền đề để thực hiện phát triển về xã hội và bảo vệ môi trường.

"Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao.

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đặt ra yêu cầu: "Việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan”.

Cũng chia sẻ tại diễn đàn, ông Andri Meier - Đại sứ quán Thuỵ sĩ tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang thay đổi rất nhanh và đối mặt với các thách thức về môi trường, bền vững không phải là lựa chọn hay bắt buộc mà là điều chúng ta cần phải làm càng nhanh càng tốt.

"Hiện nay, khách hàng, doanh nghiệp và Chính phủ đã ưu tiên nhiều hơn với các sản phẩm, dịch vụ, song hành cùng với tính bền vững về mặt xã hội cũng như với môi trường. Chúng ta đang hướng tới việc tăng cường năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp để có thể tăng trưởng bền vững, song hành cùng với nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu" - ông Andri Meier nói.

Cũng theo ông Meier, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, có tinh thần khởi nghiệp sáng tạo rất lớn, đồng thời có cam kết rất mạnh mẽ đối với việc phát triển bền vững. Chính phủ và các Bộ, ngành, doanh nghiệp cũng đang có những nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh. Theo ông Meier, đây không chỉ là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội rất tuyệt vời để có thể tăng cường năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra được nền tảng việc làm cho người dân.

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho khuôn khổ hợp tác phát triển kinh tế với Việt Nam giai đoạn 2025 - 2028. Chương trình này sẽ được triển khai vào cuối năm 2025. Mục tiêu chính của sự hợp tác phát triển này để hỗ trợ Việt Nam trong một lộ trình hướng tới nền kinh tế thu nhập cao, có năng lực chống chịu tốt hơn", Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tại Việt Nam chia sẻ.

Tại Diễn đàn, chuyên gia Eurocham đã cập nhật xu hướng và cơ hội xuất khẩu bền vững. Chuyên gia đến từ Viện Chính sách chiến lược Tài nguyên Môi trường tham luận chính sách, quản lý và kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh.

Theo Bộ Công Thương, nhằm cụ thể hóa các định hướng và mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã duy trì tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thường niên với chủ đề trọng tâm “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.

Diễn đàn nhằm tạo kênh đối thoại, tham vấn nhiều bên liên quan từ các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế để định hình, xác định các vấn đề các khó khăn, cơ hội trong phát triển thương mại xanh, đề xuất các giải pháp và chính sách hỗ trợ về thương mại xanh; định hình hướng tới tiêu chuẩn hóa chuỗi cung ứng xanh, xác định và đề xuất giải pháp và chính sách hỗ trợ trong triển khai các sáng kiến xúc tiến xuất khẩu xanh...

Theo baotintuc.vn