Khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác PCPNN tại tỉnh Thừa Thiên Huế |
Những thành quả đáng khích lệ
Trong thời gian triển khai Nghị định 58/2022/NĐ-CP, ngày 31/8/2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam, trên cả nước tổng cộng có 381 tổ chức PCPNN với giá trị viện trợ khoảng 200 triệu USD. Riêng tại Thừa Thiên Huế, có 87 tổ chức PCPNN đang hoạt động, trong đó 17 tổ chức có văn phòng đại diện đã thu hút được 106 khoản viện trợ, với vốn cam kết gần 10 triệu USD. Các khoản viện trợ dự án và phi dự án được triển khai trên nhiều lĩnh vực, như rà phá bom mìn; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục; giải quyết các vấn đề xã hội; hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…
Các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng tích cực hợp tác và phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý hoạt động theo đúng quy định của pháp luật… là kinh nghiệm từ Thừa Thiên Huế để hoạt động của các tổ chức PCPNN thực sự có hiệu quả. Dù vậy, hoạt động này vẫn gặp một số khó khăn, như: Quá trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp phép thực hiện từ các cơ quan, ban ngành vẫn chưa kịp thời và đầy đủ; đội ngũ nhân viên làm công tác PCPNN còn thiếu và yếu. Ngoài ra, còn tồn tại một số tổ chức PCPNN tuy đã được cấp giấy đăng ký hoạt động tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quy định về việc gửi thông báo hoạt động của tổ chức cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Một khó khăn nữa là vẫn còn tình trạng các đơn vị tại địa phương tiếp nhận chương trình, dự án chưa thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định về việc phê duyệt và tiếp nhận khoản viện trợ, công tác báo cáo tình hình sử dụng vốn viện trợ. Công tác ghi thu chi đối với khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, do số lượng hồ sơ gửi Sở Tài chính để yêu cầu xác nhận viện trợ còn thấp…
Chủ động kết nối và tăng cường hợp tác
Là một thành viên hoạt động tích cực trong công tác vận động và triển khai các dự án PCPNN tại Thừa Thiên Huế, đại diện Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh khẳng định, điều quan trọng là xây dựng cơ chế điều phối viện trợ hợp lý, bởi đây sẽ là đầu mối giúp kết nối và tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan. Ngoài ra, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung, được cấu trúc rõ ràng, khoa học, dễ tiếp cận và cập nhật thường xuyên về các lĩnh vực ưu tiên để giúp các tổ chức phi chính phủ dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn các dự án hoặc chương trình có tính khả thi cao. Điều này không chỉ giảm thiểu thời gian và công sức trong việc tìm kiếm thông tin, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong quá trình phân bổ viện trợ.
Để nâng cao hiệu quả dự án, phía Liên hiệp cho rằng cần định hướng xây dựng dự án bám sát các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh, tạo nền tảng để tiếp cận các nhà tài trợ quan tâm đến những mục tiêu dài hạn. Cùng với đó là triển khai chiến lược networking và truyền thông mạnh mẽ, tạo lòng tin và xây dựng thương hiệu hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ mới (blockchain, AI) để quản lý và theo dõi dự án hiệu quả cũng sẽ tạo thêm một yếu tố cạnh tranh…
Với hơn 15 năm hợp tác tại Thừa Thiên Huế, Tổ chức Blue Dragon International (BDI-Úc) đã và đang triển khai nhiều hoạt động nổi bật, điển hình như phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị khởi động dự án “An toàn và lành mạnh: Ngăn chặn tình trạng trẻ em và thanh, thiếu niên di cư tự do đi làm ăn xa, bị lạm dụng sức lao động và người bị mua bán tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2024 - 2028". Qua đây, tổ chức bày tỏ mong muốn trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, góp ý và tư vấn từ các ban, ngành, tổ chức có liên quan về việc thiết kế các dự án mới để dự án đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, cũng như đảm bảo Blue Dragon hoạt động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với văn hóa địa phương.