Sự gia tăng của các giải pháp tài trợ nhấn mạnh cam kết của Đông Nam Á trong việc đạt được các mục tiêu năng lượng sạch. Ảnh minh họa: THX/TTXVN 

Đây là nhận định được ông Rino Donosepoetro, Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered tại Indonesia và các thị trường ASEAN đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí The Business Times.

Những cam kết mạnh mẽ

Theo ông Rino Donosepoetro, tuy ngành năng lượng tái tạo của Đông Nam Á có tiềm năng đầy hứa hẹn, các nhà tài chính và nhà đầu tư quốc tế mong muốn khai thác cơ hội từ khu vực này vẫn nhận thấy nhiều thách thức. Từ những bất ổn về quy định và điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, cho đến rủi ro tín dụng phổ biến ở các thị trường mới nổi, con đường dẫn đến đầu tư năng lượng tái tạo không hề dễ dàng.

Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á đặt ra các mục tiêu năng lượng sạch mạnh mẽ và dài hạn, thì các khoản đầu tư đổ vào đó vẫn còn rất xa so với nhu cầu cần thiết để biến những khát vọng này thành hiện thực. Trong 3 năm qua, các khoản đầu tư năng lượng hàng năm của Đông Nam Á trung bình đạt 72 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), để đáp ứng các cam kết trong thập kỷ tới, con số này sẽ cần phải tăng hơn gấp đôi. “Mặc dù vậy, rủi ro có thể được giảm thiểu thông qua cơ chế hợp tác công tư, với mục tiêu cuối cùng là thống nhất các khuôn khổ chính sách và tài chính ở quy mô hệ thống”, chuyên gia này nói thêm.

Bất chấp những thách thức, động lực ngày càng tăng đằng sau các giải pháp tài chính đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như tài chính hỗn hợp, trái phiếu xanh và thị trường tín dụng carbon đang mở rộng, làm nổi bật cam kết của Đông Nam Á trong việc đạt được các mục tiêu năng lượng sạch, đồng thời giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực.

Đến năm 2030, Standard Chartered cam kết sẽ chuyển 300 tỷ USD vào tài chính bền vững. Tính đến tháng 9/2023, ngân hàng này đã huy động được 87,2 tỷ USD, đây là một con số đầy ấn tượng cho thấy động lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu đầy tham vọng của mình. Trong số các sáng kiến chủ chốt, có thể kể đến quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam và Indonesia, nơi Standard Chartered đang tích cực thúc đẩy sự chuyển đổi có trách nhiệm từ sự phụ thuộc vào than sang các nguồn năng lượng sạch hơn, bền vững hơn tại những thị trường này.

Cơ hội tỏa sáng

Tọa lạc trong vành đai xích đạo và ngập tràn ánh nắng mặt trời, các quốc gia Đông Nam Á đang chuẩn bị sẵn sàng để khai thác tiềm năng to lớn của năng lượng mặt trời, được thúc đẩy bởi những tiến bộ tiên tiến trong công nghệ năng lượng mặt trời. Đáng chú ý, Đông Nam Á được xếp hạng là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư thế giới, nhu cầu tăng với tốc độ hàng năm là 3% trong hai thập kỷ qua. Theo IEA, xu hướng tăng này sẽ tiếp tục đến năm 2030.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào công nghệ quang điện mặt trời được dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc chuyển đổi ngành điện, với chi phí năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ duy trì tính cạnh tranh, hoặc thậm chí giảm xuống dưới mức chi phí của các nguồn năng lượng truyền thống. Standard Chartered đã xác định tài trợ cho quang điện mặt trời là một cơ hội đầu tư nổi bật, đồng thời nhận ra tiềm năng to lớn của lĩnh vực này trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và chuyển đổi trong ngành năng lượng.

Năm 2021, ngân hàng này đã tham gia đồng tài trợ cho nhà máy điện mặt trời Cirata, dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, tọa lạc tại Tây Java, Indonesia; với tổng giá trị 112 triệu USD. Ông Rino Donosepoetro cho rằng, những đột phá về công nghệ là bước ngoặt trong không gian đầu tư năng lượng tái tạo, với mức giảm nhanh chóng về chi phí pin lưu trữ, qua đó mở ra cánh cửa cho những cơ hội mới. Ngoài ra, Đông Nam Á đang phát triển với các khuôn khổ pháp lý tiên tiến hơn, được thiết kế để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng xanh. Các sáng kiến chính, như Phân loại ASEAN về Tài chính bền vững, Phân loại Singapore - châu Á của Cơ quan Tiền tệ Singapore, và nhiều phân loại cụ thể theo quốc gia, đang mở ra các con đường đầu tư rõ ràng hơn, tăng cường tính minh bạch và điều hướng nguồn vốn vào những dự án bền vững.

Trong ngắn hạn, các dự án năng lượng tái tạo có thể bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá cả hàng hóa, những thay đổi về quy định và chi phí vốn ban đầu cao. Tuy nhiên, về lâu dài, chi phí công nghệ giảm, đặc biệt là đối với quang điện mặt trời và điện gió sẽ cải thiện hồ sơ lợi nhuận của các khoản đầu tư này.

Lê Thảo

(Lược dịch từ The Business Times)