Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi được cung cấp các dịch vụ như thanh toán qua ví điện tử, mã QR. Ảnh minh họa: Báo Người Lao động |
Theo thống kê, tổng giá trị thanh toán kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt qua 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Các phương thức thanh toán như thanh toán qua ví điện tử, thanh toán bằng mã QR đã tái định hình thị trường, mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn và sự tiện lợi, đồng thời mở ra kỷ nguyên đổi mới.
Nhìn về tương lai sẽ có một số xu hướng chính định hình ngành ngân hàng và thanh toán ở Đông Nam Á vào năm 2025.
Cụ thể, từ việc sử dụng ngày càng nhiều trí tuệ nhân tạo (AI) đến nhu cầu về các giải pháp sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và nhu cầu tăng về an ninh mạng tiên tiến, những xu hướng này sẽ tạo ra thay đổi đáng kể trong công nghệ ở một khu vực mà phần lớn dân số vẫn chưa được kết nối kỹ thuật số và có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi.
Cùng với đó, nhờ tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng về cá nhân hóa trải nghiệm và sự hỗ trợ của khuôn khổ pháp lý, trí tuệ nhân tạo đang tạo nên những làn sóng mới trong ngành ngân hàng. Dựa trên những tiến bộ này, AI tạo sinh cũng có thể dân chủ hóa việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, thúc đẩy công bằng kinh tế. Bằng cách tích hợp các tài khoản ngân hàng, danh mục đầu tư…, thậm chí hợp tác với các cơ quan thuế của chính phủ, AI có thể đóng vai trò là trợ lý quản lý tài sản cá nhân.
Theo thống kê, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99% tổng số doanh nghiệp ở Đông Nam Á và tạo ra hơn 90% việc làm, nên việc tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng thông qua việc cung cấp các giải pháp thanh toán và dịch vụ tín dụng dễ tiếp cận là điều cần thiết.
Cần lưu ý, khi phát triển các giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ, các nhà cung cấp tài chính nên nhấn mạnh vào quy trình đơn giản và đơn giải hóa yêu cầu cơ sở hạ tầng để mang lại lợi ích hữu hình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều này là do mặc dù các doanh nghiệp này là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á, nhưng khoảng 60% các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực vẫn phải đối mặt với thách thức khi vay vốn từ các tổ chức tài chính truyền thống.
Ngoài ra, nhu cầu về an ninh mạng tiên tiến cũng đang ngày một lớn, đặc biệt là khi tội phạm mạng đang leo thang với tốc độ đáng báo động trong khu vực. Văn phòng Liên hợp quốc về Chống Ma túy và Tội phạm ước tính mỗi năm, tội phạm mạng ở Đông Nam Á đã lừa đảo từ 27,4 tỷ USD đến 36,5 tỷ USD.
Để ứng phó, các tổ chức tài chính đang tăng cường đầu tư vào bảo mật, triển khai công nghệ phát hiện gian lận bằng AI, xác thực sinh trắc học và mã hóa tiên tiến.
Những tiến bộ này đang chuyển đổi cách thức giao dịch thương mại ở Đông Nam Á, nhưng niềm tin sẽ cần đóng vai trò then chốt trong việc áp dụng chúng. Chỉ khi đó, những tiến bộ và đổi mới này mới có thể được chấp nhận rộng rãi và thực sự mang lại lợi ích cho mọi người, đảm bảo lời hứa về một nền kinh tế số toàn diện, minh bạch và kiên cường.
(Lược dịch từ The Business Times)