Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là vấn đề chiến lược trong các chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, nhiều chính sách, chương trình, dự án được triển khai nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này có thể thấy qua tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 1986-2013 của khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 3,7%. Cơ cấu sản xuất bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 70% trong những năm 90 xuống còn 47%.
Tại Thừa Thiên Huế, nhiều chương trình, dự án đầu tư được thực hiện lồng nghép như: Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, miễn giảm thuỷ lợi phí… Thực tế, một số mô hình sản xuất mới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế như trồng rau an toàn, mía ở Quảng Điền, trồng nấm ở Phú Vang, trồng cao su ở Nam Đông; nuôi tôm trên cát ở Phong Điền. Tuy nhiên, quy mô các mô hình nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính bền vững. Chẳng hạn, ở Phong Điền, sau vài vụ thắng lợi, nay nhiều hộ nuôi tôm phải “treo hồ” do không kiểm soát được dịch bệnh và đầu ra bấp bênh. Điệp khúc “được mùa mất giá”, không chỉ với con tôm mà nhiều loại cây trồng khác cũng đang phải đối diện.
Nguyên nhân của những yếu kém ngành nông nghiệp đã được mổ xẻ tại rất nhiều hội thảo, được các nhà nghiên cứu chỉ rõ, tựu trung là do quy mô sản xuất manh mún, chủ yếu mang tính quảng canh, thiếu sự liên kết giữa sản xuất chế biến, tiêu thụ, sản xuất không bền vững, rủi ro cao. Gần đây, chúng ta nghe đến các mô hình liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với nông dân hoặc các nhà đầu tư nước ngoài đem lại giá trị 500 triệu đồng/ha. Điều này cho thấy, có sự thay đổi tư duy mạnh mẽ trong việc hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả kinh tế và hoạt động theo cơ chế thị trường, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Để có sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được đặt ra, trong đó xác định thị trường là yếu tố quan trọng. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ quy hoạch vùng, địa bàn, cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường, đến việc gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học trong sản xuất, nhất là công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và chú trọng đầu tư khâu chế biến sâu để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoàng Giang