Cô và trò mầm non cùng biểu diễn một sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế 

Tác phẩm phù hợp với trẻ

Với bức tranh “Trò chơi tuổi thơ”, cô giáo Hoàng Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường mầm non An Cựu, TP. Huế thể hiện hình ảnh trẻ em đang chơi các trò chơi dân gian ô ăn quan và nhảy bao bố. Bức tranh được vẽ bằng gam màu tươi sáng, bố cục hài hòa, thể hiện sự sinh động, vui tươi của trẻ khi tham gia trò chơi. Cô Ngọc chia sẻ: “Ô ăn quan và nhảy bao bố là những trò chơi tôi đã từng tổ chức cho trẻ và các em rất thích. Từ các hoạt động của trẻ, tôi vẽ nên bức tranh “Trò chơi tuổi thơ” để giới thiệu về các trò chơi dân gian, những trò chơi tuổi thơ trẻ con ngày nay có thể ít được trải nghiệm. Đây cũng là cách giữ gìn nét đẹp văn hóa của trò chơi dân gian”.

Những hình ảnh trong bức tranh đơn giản, gần gũi, phù hợp với trẻ mầm non, đảm bảo tính thẩm mỹ, truyền tải được thông điệp giữ gìn truyền thống văn hóa. Tác phẩm được đánh giá cao và đoạt giải A tại cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế; tranh vẽ về văn hóa Huế và sưu tầm trò chơi, ca dao, đồng dao, thơ ca dân gian địa phương phù hợp với giáo dục mầm non do Sở GD&ĐT tổ chức.

Tổ khúc dân ca “Em yêu cô giáo mầm non” của cô giáo Đặng Thị Thu Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh, thị xã Hương Thủy cũng đoạt giải A thể loại sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế. Dựa trên tiết tấu của các điệu lý tình tang, lý đoản xuân, hò mái nhì, tác phẩm thể hiện tình cảm yêu thương, gần gũi giữa cô và trẻ. Theo cô giáo Thu Lý, viết lời mới phù hợp với trẻ mầm non theo các làn điệu dân ca là việc làm cần thiết, vừa có thể áp dụng dạy cho trẻ theo chương trình giáo dục mầm non vừa lưu truyền những nét đẹp văn hóa dân gian và văn hóa địa phương.

Lần đầu tiên, Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế; tranh vẽ về văn hóa Huế và sưu tầm trò chơi, ca dao, đồng dao, thơ ca dân gian địa phương phù hợp với giáo dục mầm non, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục mầm non” trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 6 tháng phát động, cuộc thi nhận được hơn 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: Sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế - ca Huế, vè Huế, ca kịch Huế, thơ, truyện kể; tranh vẽ về văn hóa Huế theo 5 chủ đề: Di sản văn hóa Huế, di tích lịch sử địa phương, lễ hội truyền thống Huế, làng nghề truyền thống và sản phẩm nghề truyền thống Huế; tác phẩm sưu tầm văn hóa dân gian là thơ, truyện kể, câu đố, đồng dao, ca dao, vè, trò chơi… Các tác phẩm thể hiện nội dung về lễ giáo, tình yêu quê hương, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử, nghề truyền thống, lễ hội, ẩm thực về văn hóa Huế phù hợp với chương trình giáo dục mầm non.

Giáo dục văn hóa địa phương

Theo bà Ngô Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT, cuộc thi thành công khi thu hút được số lượng lớn bài thi chất lượng, nội dung bám sát chủ đề và hình thức thể hiện chỉn chu. Đa phần các tác phẩm đều có nội dung trong sáng, phù hợp với trẻ em mầm non, phù hợp với văn hóa địa phương. Đây là nguồn học liệu quý trong thực hiện chương trình giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em. Các tác giả sử dụng từ ngữ đơn giản, hình ảnh rõ ràng, lời ca đúng giai điệu, đúng kỹ thuật âm nhạc; những câu thơ có vần, nhịp điệu hài hòa, dễ nghe, dễ thuộc, có tính sáng tạo. Tranh vẽ được đánh giá có chất lượng về mặt nội dung và nghệ thuật. Phong trào sưu tầm những tác phẩm văn hóa dân gian không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn tạo cơ hội cho các thế hệ sau hiểu rõ hơn về nguồn cội và văn hóa của dân tộc mình, giúp củng cố mối liên kết trong cộng đồng thông qua việc truyền miệng và diễn xướng, góp phần giữ gìn ngôn ngữ và phong tục tập quán.

Để đảm bảo chất lượng cuộc thi, Sở GD&ĐT đã mời hơn 30 chuyên gia uy tín, có chuyên môn sâu tham gia hội đồng thẩm định cho từng thể loại, lựa chọn những tác phẩm đạt chất lượng để xây dựng nguồn học liệu giáo dục văn hóa địa phương phù hợp với trẻ em. Theo NSND Nguyễn Đình Dũng, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, việc Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực. Những tác phẩm đoạt giải được in ấn, lưu giữ, thu âm và đưa vào dạy ở các trường mầm non để trẻ làm quen, thấm dần những âm hưởng, giai điệu của các làn điệu dân ca, ca Huế. Điều này rất quan trọng vì chính các cháu sẽ là thế hệ tương lai giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình để đưa tác phẩm của cuộc thi vào nhiệm vụ tích hợp giáo dục văn hóa địa phương của chương trình giáo dục mầm non. Đặc biệt, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giúp trẻ được tiếp xúc trực tiếp với các di sản, di tích lịch sử của địa phương.

Bài, ảnh: MINH HIỀN