Mô hình nuôi cá trắm cỏ của anh Đời phát triển tốt sau 3 năm xây dựng |
Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi
Ghé thăm mô hình nuôi cá trắm của anh Hồ Văn Đời, một ĐV năng động, trú tại thôn Mu Nú Ta Rá, xã Hương Nguyên, anh Đời cho biết, năm 2021, anh được vay 50 triệu đồng từ chương trình Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để trồng 5ha rừng kinh tế và đầu tư vào mô hình nuôi cá trắm cỏ. Sau 3 năm, rừng keo anh trồng đã phát triển xanh tốt, dự kiến mang lại nguồn thu khoảng 50 đến 60 triệu đồng/ha vào năm tới. Bên cạnh đó, ao cá cũng gần đến kỳ thu hoạch vào cuối năm nay, hứa hẹn bổ sung một khoản thu nhập đáng kể.
“Từ khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tôi đã có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ của NHCSXH và Đoàn TN các cấp, tôi không chỉ có vốn mà còn được hướng dẫn kỹ thuật, giúp mô hình đạt hiệu quả cao”, anh Đời chia sẻ.
Năm 2023, ĐV Nguyễn Thị Hương ở thôn Mu Nú Ta Rá cũng được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng 6,5ha rừng keo và chăn nuôi gia cầm. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chị có thu nhập ổn định từ đàn gà thả vườn. Đồng thời, khu rừng kinh tế chị trồng đang phát triển tốt, dự kiến năm sau sẽ thu hoạch, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững trong tương lai gần.
“Nguồn vốn từ NHCSXH thực sự là cứu cánh cho gia đình tôi. Trước đây, tôi chỉ trồng cây ngắn ngày, thu nhập bấp bênh. Với kế hoạch dài hạn hiện nay, tôi hy vọng có thể thoát nghèo và ổn định cuộc sống trong thời gian tới”, chị Hương cho hay.
Phát huy vai trò “cầu nối”
Để đảm bảo nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện A Lưới phối hợp với huyện đoàn thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các khâu từ tuyên truyền chính sách tín dụng đến giám sát việc sử dụng vốn. Đến cuối tháng 10/2024, thông qua 18 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do huyện đoàn quản lý, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 38.767 triệu đồng, trong đó không có nợ quá hạn.
Anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết: “Nguồn vốn từ NHCSXH đã mang lại nhiều cơ hội khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Từ đầu năm đến nay, NHCSXH huyện đã giải ngân hơn 9.560 triệu đồng qua 165 lượt hộ vay. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính, mà còn là động lực tinh thần, giúp thanh niên tự tin lập nghiệp”.
Huyện đoàn còn tổ chức nhiều chương trình tập huấn lồng ghép kiến thức khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật để thanh niên phát triển các mô hình kinh tế bền vững. Sau khi giải ngân, các tổ TK&VV thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đoàn viên sử dụng vốn đúng mục đích, đồng thời nhắc nhở việc trả nợ đúng hạn.
Theo NHCSXH huyện A Lưới, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều ĐVTN đã có việc làm, khởi nghiệp phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống, trong đó có những điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Những mô hình như trồng rừng kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm hay phát triển kinh doanh nhỏ đều đạt hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm nghèo bền vững.