Giúp phụ nữ thể hiện, phát huy được quyền năng cũng là cách để đem lại bình đẳng, ngăn ngừa bạo hành trên cơ sở giới |
Vẫn còn yếu thế
Sau nhiều năm chịu đựng sự bạo hành của chồng, cuối cùng, chị T. cũng được tự do khi tòa án giải quyết đơn ly hôn. Vậy nhưng, cuộc sống của chị T. vẫn không được yên vì chồng cũ thi thoảng lại đến nhà riêng chị quấy phá hoặc "tra tấn", đe dọa qua tin nhắn... Đem câu chuyện của chị T. chia sẻ kín với những người làm công tác hòa giải, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc gay gắt về hành vi bạo hành của chồng cũ chị T. Theo họ, đây là hành vi không chỉ mang tính gây rối mà còn vi phạm quyền phụ nữ, trẻ em, vi phạm Luật Bình đẳng giới...
Một trường hợp khác cũng lâm vào cảnh bị chồng bạo hành là chị Ph., ở huyện Quảng Điền. Chị Lê Thị B., lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH&QBTTE) tỉnh kể lại, cách đây chưa lâu, chị giật mình tỉnh giấc khi chuông điện thoại reo lúc giữa khuya. Sau khi nhận cuộc gọi và nắm được thông tin, chị B. vội vàng cùng một số đồng nghiệp đến tiếp nhận, "giải cứu" chị Ph. về tạm lánh tại "Ngôi nhà bình an" của trung tâm. Khoảng hai ngày sự việc nguôi ngoai, chồng chị Ph. đã đến nhà tạm lánh để đón chị trở về nhà. Nhưng câu chuyện không dừng lại đó. Qua một vài lần hỏi thăm, lãnh đạo Trung tâm CTXH&QBTTE được chị Ph. chia sẻ, dù không còn đánh đập, nhưng chồng chị vẫn chưa bỏ thói mắng chửi vợ con sau mỗi lần ngấm bia rượu vào người.
Quan tâm đến sức khỏe, tâm sinh lý để phụ nữ được bình đẳng, tự tin trong cuộc sống |
Hai trường hợp bị bạo hành trên chỉ là số ít trong "muôn hình vạn trạng" hành vi bạo hành, bạo lực giới đang diễn ra ở nhiều gia đình, địa phương với các hình thức: Bạo lực tình dục, bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế... Theo báo cáo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời; tỷ lệ bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua) là 31,6%. Các chuyên gia cũng phân tích về bạo lực tâm lý bao gồm bạo lực tinh thần và kiểm soát hành vi. Bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra là hình thức bạo lực phổ biến nhất mà phụ nữ Việt Nam đề cập, với gần một nửa số phụ nữ từng có chồng/bạn tình (47%) bị bạo lực tinh thần trong đời.
Cùng hành động
Tại lớp tập huấn truyền thông về bình đẳng giới được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tại TP. Huế mới đây, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, điều quan trọng để làm thay đổi các số liệu thống kê về tình trạng phụ nữ bị bạo hành là phải làm rõ các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới. Trong đó, phải kể đến quan điểm nam tính độc hại mà cao trào của nó là thái độ "bề trên" và cho mình có quyền hơn phụ nữ và trẻ em gái.
TS. Tuyết Minh cũng đưa ra các kết quả nghiên cứu cho thấy: 81% nam giới tham gia nghiên cứu cảm thấy rằng "đàn ông là phải có tiếng nói quyết định cuối cùng về mọi vấn đề trong gia đình"; 78% cảm thấy rằng "vai trò quan trọng nhất của phụ nữ là chăm sóc nhà cửa và nấu ăn cho gia đình"; 90% nam giới cho rằng là đàn ông là phải cứng rắn; 29% nam giới đồng ý rằng nếu có một đứa con trai đồng tính thì đó là điều xấu hổ; 34% nam giới đồng ý rằng "nếu một ai đó sỉ nhục tôi, tôi sẽ bảo vệ danh dự của mình bằng vũ lực nếu cần thiết".
Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của toàn xã hội, giảm tình trạng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới. Sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, xã hội, nhất là lĩnh vực chính trị có sự chuyển biến tích cực. Quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái ngày một nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn vấn nạn bất bình đẳng giới nói chung và bạo lực giới nói riêng. Nguyên nhân là do còn nhiều rào cản, thách thức trong việc thực hiện bình đẳng giới xuất phát từ nhận thức gắn chặt với truyền thống văn hóa đã ăn sâu, bám rễ qua nhiều thế hệ khó thay đổi.
Mỗi gia đình, người dân hãy là một tuyên truyền viên, hòa giải viên để tuyên truyền, vận động toàn xã hội cùng thực hiện bình đẳng giới, ngăn chặn bạo hành trên cơ sở giới bằng nhiều hình thức. Trong đó cần nâng cao vai trò, giá trị, vị thế của người phụ nữ và huy động sự nhập cuộc của nam giới đồng hành thực hiện các mô hình, giải pháp về bình đẳng giới.