Bệnh nhi cùng gia đình và các y bác sĩ tại lễ ra viện. Ảnh: T. HIỂN

Bé Hồ A. D., 38 tháng tuổi, người Quảng Trị là ca bệnh được ghép tủy đồng loại thứ 3. Một năm trở lại đây, D. nhập viện truyền máu hàng tháng vì mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Qua xét nghiệm, anh trai D. có chỉ số HLA (kháng nguyên bạch cầu người trong máu) phù hợp để hiến. Ca bệnh được ghép tủy vào ngày 12/11. Sau ghép, tiểu cầu phục hồi vào ngày thứ 10, bạch cầu hạt phục hồi vào ngày thứ 19.

Ca ghép thứ 4 là bệnh nhi Đặng M.A.T., 10 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh Alpha-Thalassemia phải truyền máu hàng tháng. Anh trai T. là người hiến tủy, ca ghép tủy đồng loại diễn ra thành công vào cuối tháng 11. Sau ghép, A.T. gặp biến chứng sốt giảm bạch cầu hạt nhẹ, tiểu cầu phục hồi vào ngày 21 và bạch cầu hạt phục hồi vào ngày 19.

Dịp này, ca ghép tủy thứ 40 trên nền bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao là bé Nguyễn P. Q.M. 5 tuổi, đến từ Tiền Giang cũng được ra viện.

Ghép tủy đồng loại hiện là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại cơ hội phục hồi hoàn toàn cho trẻ bị tan máu bẩm sinh, đồng thời mở ra triển vọng điều trị cho các bệnh lý khác cần ghép tủy đồng loại như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát.

Theo GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, bệnh viện là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Với lợi thế đội ngũ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại, BV không ngừng ứng dụng, phát triển các kỹ thuật tiên tiến phục vụ điều trị ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ung thư.

L.TUỆ