Lực lượng vũ trang tỉnh diễn tập xử lý sự cố tràn dầu trên biển. Ảnh: Thái Bình |
Mùa đông năm 1944, với lòng căm thù giặc cao độ, Nhân dân Cao - Bắc - Lạng đã sẵn sàng phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang mới. Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng đang chuẩn bị một hội nghị cuối cùng để quyết định ngày giờ phát động cuộc chiến tranh du kích. Sau khi kiểm điểm tình hình, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa, vì: “Chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao - Bắc - Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong toàn quốc, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Bây giờ là thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới". Theo Người: "Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Nếu phát động đấu tranh mà mỗi khi địch đến, Nhân dân lại phải tản cư cả vào rừng núi, thì e sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Phải làm sao, cứ hoạt động vũ trang mà dân ở đâu cứ ở đấy sản xuất, chỉ cần tăng cường canh gác đề phòng không để địch bắt, hại những người hoạt động”. Người đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa; đồng thời chỉ thị phải khẩn trương thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.
Theo hồi ký Từ Nhân dân mà ra (Nxb QĐND, 1969), Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Mọi việc chuẩn bị đã xong. Một ngày trước lễ thành lập đội, chúng tôi nhận được một bức thư nhỏ của Bác đặt trong một bao thuốc lá. Giở ra, đó là chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân”. Trong Chỉ thị có nêu: “Tên, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể sẽ chọn trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”. Chỉ thị lưu ý: Về mặt chiến thuật: "Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung".
Người còn căn dặn: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy Chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”. “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, đúng 17 giờ chiều ngày 22/12/1944, tại núi Slam Cao, trong khu rừng Trần Hưng Đạo, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo và chỉ huy, đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc.
Lúc mới thành lập, Đội có 34 người (trong đó 29 chiến sĩ là dân tộc thiểu số, 5 chiến sĩ còn lại là người Kinh), và chỉ có 34 khẩu súng thô sơ các loại, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Trần Văn Kỳ, tức Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Dương Mạc Thạch, tức Xích Thắng làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái, tức Hoàng Văn Xiêm phụ trách tình báo và tác chiến, đồng chí Lâm Kính, tức Lâm Cẩm Như (cháu đích tôn cụ Nguyễn Thượng Hiền) phụ trách công tác chính trị, đồng chí Lộc Văn Lùng, tức Văn Tiên làm quản lý. Đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm được chọn lựa kỹ càng trong các đội du kích Cao – Bắc – Lạng và trong số người đi học quân sự ở nước ngoài về, hầu hết đã trải qua chiến đấu và ít nhiều đều có hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự.
Chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau khi thành lập, Đội đã mưu trí, táo bạo, cải trang làm quân địch, bí mật tập kích đồn giặc.
Chiều ngày 25/12/1945, vào lúc 17 giờ, với các phương án chuẩn bị, đơn vị bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt, tiêu diệt 1 tên, bắt sống 17 tên, thu được 17 súng; ngày 26/12/1945, quân ta đột nhập vào đồn Nà Ngần cách đó 15 cây số, tiêu diệt 5 tên, bắt sống 17 tên, thu được 27 súng và nhiều quân trang, quân dụng…
Thực hiện chiến thuật “lai vô ảnh, khứ vô tung”, và để giữ thế hợp pháp cho quần chúng, sau khi thực hiện chu đáo chính sách đối với tù binh, chia chiến lợi phẩm cho Nhân dân địa phương, Đội đã bàn cách đối phó khi quân địch kéo đến. Đội nhanh chóng bí mật chuyển quân về căn cứ mới. Trong cuộc hành quân một ngày một đêm, mọi người chỉ được ăn một bữa, nhưng ai nấy đều phấn khởi và tự hào là “ăn mỗi ngày một bữa, đánh một ngày hai trận”…