Hoàng Ngọc Thạch: “Ngoại ngữ là hành trang mà thanh niên Huế cần có”

Năm 2000 là một trong những năm tự hào của thầy trò xứ Huế khi Huy chương đồng Vật lý quốc tế tại Leicester city (Vương quốc Anh) được trao cho Hoàng Ngọc Thạch. Đó cũng là một bước ngoặt với Thạch để được nhận thẳng vào lớp Cử nhân Tài năng Đại học Hà Nội và sau đó Đại học Bách khoa Paris (Ecole Polytechnique de Paris) và Học viện cao cấp Hàng không Pháp. Hơn 10 năm trôi qua, Thạch bây giờ sống tại thành phố Nice (Pháp) và vẫn nhớ mãi những kỷ niệm ngày nào ở Huế. Xa gia đình, xa quê hương, khó khăn Thạch gặp phải là không hề nhỏ để tạo dựng được một cuộc sống và sự nghiệp như hôm nay.

Luôn tự hào về Huế và luôn mong có thể góp sức cho sự phát triển của quê hương, với tư cách là một nhà kinh doanh, Thạch nghĩ rằng Huế vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, trong đó du lịch và nguồn nhân lực có trình độ. Thạch rất tin tưởng vào lớp thanh niên hiện nay ở Huế-một thế hệ mới, có sáng tạo và đam mê. Từ kinh nghiệm của một người học tập, làm việc tại nước ngoài, Thạch chia sẻ: yếu tố ngôn ngữ luôn là chìa khóa đầu tiên cho mọi giao thương quốc tế. “Dù bạn giỏi chuyên môn, nhưng bạn không thể giải thích vấn đề, hay đơn giản nói về nó với đồng nghiệp ngoại quốc, lúc ấy bạn mới hiểu giá trị của ngoại ngữ’. Với sự kiên trì của mình, Thạch cũng là tấm gương sử dụng thành thạo 2 ngoại ngữ Anh và Pháp với vai trò là thành viên Ban Chiến lược Tập đoàn du lịch và đặt chỗ hàng không Amadeus.
Hồ Ngọc Hân: “Cần giữ cuộc sống sinh động trong thời đại Internet”
Sự kiện Nhà vô địch Olympia Hồ Ngọc Hân là thăng hoa của các cung bậc cảm xúc của người Huế và người yêu Huế năm 2010. Vẫn vui vẻ, hòa đồng và không ngủ quên trên vinh quang là điều dễ nhận thấy ở cậu sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Swinburne, Úc. Rời bố mẹ, rời Huế để đến xứ sở căng-gu-ru, Hân dễ dàng hội nhập vào cuộc sống của cộng đồng sinh viên quốc tế ở đây. “Hòa nhập chứ không hòa tan”, cậu sinh viên vui tính này được mọi người xung quanh cảm mến và cũng giúp cậu nhận ra những điểm đẹp từ bạn bè quốc tế: văn hóa ứng xử văn minh và ý thức tự giác, vì cộng đồng.
Tự nhận là một người thường xuyên lên Internet do yêu cầu của việc học, Hân cũng rất ý thức về ranh giới mong manh giữa khai thác và lạm dụng Internet. Trong những ngày đầu năm này, Hân mong được góp tiếng nói cảnh tỉnh về cuộc sống “ảo” đang hình thành trong một bộ phận giới trẻ Huế: những trò chơi online, những lần chat thâu đêm hay chỉ ngồi ở nhà lướt nét trong ngày nghỉ. “Một cuộc sống thực tế đầy màu sắc và sinh động với những đổi thay hàng ngày... là điều mà mỗi bạn trẻ Huế cần biết trân trọng mới có thể tạo được đam mê và cảm xúc cho công việc và học tập của mình” Nhà vô địch Olympia Hồ Ngọc Hân năm 2010 chia sẻ.
Nguyễn Bạch Nga: “Huế là nơi của sự cảm nhận bình yên”
Nổi tiếng về khả năng văn chương và ngôn ngữ với hàng loạt giải thưởng quốc gia và khu vực thời học sinh, cô sinh viên Học viện Đối ngoại Matcova giờ đây đang tiếp tục chương trình thạc sĩ của Đại học Ritsumeikan Asia Pacific tại Nhật Bản. Sự tinh tế sâu lắng đã giúp Bạch Nga phát hiện ra những điều đặc biệt ở những đất nước đã đi qua. Cùng tổ ấm nhỏ của mình xây dựng cuộc sống ở đất nước Nhật Bản gần 2 năm, Bạch Nga chợt nhận ra con người và vùng đất này cũng có những nét rất Huế: khó khăn tự nhiên phải chăng chỉ là xúc tác cho sự bền bỉ của mỗi người dân và tình cảm cộng đồng sâu đậm, và cũng chỉ trong hoàn cảnh đó, những cách thức cảm nhận cuộc sống cũng trở nên thi vị và thăng hoa.
Giữ cách nói chuyện thông minh với giọng Huế nhẹ nhàng khi nhắc về những kỷ niệm quê hương, Bạch Nga vẫn mong “Huế đổi thay để những nét rất Huế được giữ mãi một cách bền vững: sông Hương sạch hơn nhưng vẫn xanh như ngày nào, đường Huế đẹp hơn và vẫn tĩnh lặng, Huế giàu hơn nhưng vẫn là nơi của sự cảm nhận bình yên...” Để Huế đổi thay như vậy cần có thời gian, và quan trọng xuất phát từ ý thức làm mới bản thân mình của mỗi người dân Huế.
Ngô Lê Hoàng Vũ: “Để Huế là nơi xây dựng ước mơ của người dân Huế và của những người yêu Huế”
Hành trình từ khi xa Huế của chàng trai 27 tuổi này đầy những sự kiện: Thủ khoa Học viện Ngoại giao Việt Nam năm 2006; lấy bằng thạc sĩ Luật và Khoa học Chính trị năm 2007 tại Đại học Jean Moulin de Lyon, Pháp; thành viên Nhóm công tác Bộ Ngoại giao về Hội đồng Bảo an LHQ năm 2008; đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam năm 2009 và được Bộ Ngoại giao cử làm Bí thư thứ ba tại Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ từ năm 2010. Hiện nay Vũ cũng là một trong số ít cán bộ ngoại giao dưới 30 tuổi tại trụ sở Liên hợp quốc ở châu Âu.
Cuộc sống xa nhà 10 năm là một cơ hội hơn là thử thách đối với Vũ. Bên cạnh sự tự chủ, sắc sảo và điềm tĩnh là điều dễ nhận thấy ở một cán bộ ngoại giao, vui tính và biết lắng nghe đã giúp Vũ hòa nhập vào môi trường đa phương nhộn nhịp và đầy biến động. Nhưng với chàng trai trẻ này, đằng sau tất cả những chuyến đi, Huế vẫn luôn là nơi mong được trở về, vẫn là thành phố đẹp nhất không chỉ vì sông Hương núi Ngự, mà vì đó là nơi “có ba mẹ em, là nơi em đã được sinh ra, lớn lên và trở thành người Huế” như Vũ tâm sự.
Như người dân Huế và những người yêu Huế, Vũ rất mong Huế ngày càng phát triển để những giá trị văn hóa Huế được gìn giữ và phát huy hiệu quả hơn. Tin rằng trách nhiệm phát triển này giờ đây phụ thuộc nhiều vào những người Huế trẻ dù ở Huế hay xa Huế, Vũ hy vọng: “với tình yêu, nhiệt huyết và tài năng thực sự của mình, thanh niên Huế có thể cùng nhau góp phần kiến thiết một Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, là nơi để xây dựng ước mơ không chỉ của người dân Huế mà cả những người yêu và gắn bó với Huế”.
V. Hoàng