Cộng đồng người Mường tại Khe Su luôn được chính quyền tạo điều kiện để hòa nhập và phát triển

Động lực giảm nghèo

Từ năm 1998, một nhóm người Mường từ Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, vào vùng rừng sâu Bạch Mã tìm trầm và quyết định định cư tại thôn Khe Su này. Với diện tích tự nhiên chỉ hơn 65ha, thôn hiện có 83 hộ dân, gồm 14 hộ người Mường và phần còn lại là người Kinh, với 412 nhân khẩu.

Thôn Khe Su được công nhận là địa bàn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 519/BDT-CSDT, giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã về đến từng hộ dân, mang theo hy vọng và cơ hội thay đổi cuộc sống.

Ông Nguyễn Giang Sơn, một người dân tại thôn chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện cận nghèo. Có đất rừng nhưng thiếu vốn để đầu tư, chăm sóc nên không thể khai thác hiệu quả. Đến năm 2020, nhờ Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của thôn, tôi được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Với số tiền này, tôi cải tạo và chăm sóc 4ha rừng tràm. Sau 5 năm, rừng tràm đã cho thu hoạch, giúp gia đình có thu nhập ổn định, thoát nghèo và cải thiện đời sống, con cái của tôi cũng được học hành đầy đủ”.

Không chỉ riêng gia đình ông Sơn, mà nhiều hộ gia đình khác cũng đã thay đổi nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Nếu năm 2013, Tổ TK&VV thôn chỉ có 21 thành viên với dư nợ 300 triệu đồng, thì đến nay, Tổ đã phát triển lên 32 thành viên với dư nợ hơn 1,26 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ trả lãi và nợ đúng hạn đạt 100% đã cho thấy hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn của người dân.

Thay đổi để phát triển

Những ngày đầu lập nghiệp tại vùng đất mới, cuộc sống của người Mường tại Khe Su vô cùng khó khăn. Ông Đinh Văn Giáp, một trong những người đầu tiên đặt chân đến đây kể lại: “Lúc mới vào đây, chúng tôi chỉ làm nương rẫy, trồng trọt qua ngày. Nhưng nhờ sự hướng dẫn của Trưởng thôn Nguyễn Thám, chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư chăn nuôi và trồng trọt. Ông Thám không chỉ là người kết nối bà con với các chương trình tín dụng mà còn hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích chúng tôi thay đổi cách làm ăn. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã có nhà cửa khang trang, thu nhập ổn định, con cái được học hành”.

Không giấu được niềm tự hào, ông Hà Xuân Lâm, một người dân trong thôn nói: “Dù chưa có ai đỗ đạt cao, nhưng bây giờ con em chúng tôi nhiều người đã học đến lớp 12. Đó là một bước tiến lớn so với những ngày đầu đầy khó khăn. Khe Su không chỉ là nơi an cư, mà còn trở thành quê hương thứ hai, nơi giúp chúng tôi xây dựng cuộc sống mới”.

Với sự đồng lòng của chính quyền và người dân, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong thôn đã giảm đáng kể, từ 21 hộ năm 2013 xuống còn 10 hộ năm 2024. Những con số ấy không chỉ phản ánh hiệu quả của các chính sách tín dụng, mà còn là minh chứng cho tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Để đạt được những thành quả đó, vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể là không thể thiếu. Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì nhận định: “Cộng đồng người Mường tại Khe Su luôn được chính quyền tạo điều kiện để hòa nhập và phát triển. Chúng tôi hỗ trợ cấp đất, vay vốn từ NHCSXH và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, triển khai hiệu quả hơn các chương trình tín dụng chính sách, nhằm nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”.

Từ một vùng đất hoang sơ, thôn Khe Su nay đã có một diện mạo mới, tràn đầy sức sống. Những cánh rừng tràm, những vườn cây ăn trái và đàn gia súc là minh chứng cho sự thay đổi đó. Trong tương lai, với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự nỗ lực của mỗi người dân, ngôi làng nhỏ dưới chân Bạch Mã sẽ tiếp tục khởi sắc, trở thành điểm sáng trong công cuộc giảm nghèo bền vững tại miền núi Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Hải Băng