Lớp học pha chế đồ uống do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên kết đào tạo 

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (TP. Huế) trong thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đã tham gia lớp học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Qua tìm hiểu và được tư vấn, chị Cẩm Vân chọn khóa học kỹ thuật pha chế đồ uống. Chị Vân cho biết, qua tìm hiểu thị trường lao động và ý kiến một số người quen, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn đang rất cần tuyển lao động biết pha chế đồ uống, đầu bếp..., nên chị chọn học nghề pha chế để xin vào làm cho một công ty dịch vụ trên địa bàn.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức đào tạo, liên kết với một số trường nghề trên địa bàn để mở đào tạo thêm nhiều ngành nghề mới như: Làm đẹp, chế biến món ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm, lái ô tô, tiếng Hàn..., giúp học viên, người lao động có cơ hội tìm được việc làm ổn định.

Hiện nay, có nhiều ngành nghề mới đang bắt đầu thịnh hành và trở thành nghề "hái ra tiền" của nhiều lao động qua đào tạo, như: Công nghệ thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật ô tô điện, công nghệ thông tin, lập trình... Trong đó, ngành công nghệ chăm sóc sắc đẹp đang nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn, mang lại cơ hội nghề nghiệp lớn cho giới trẻ.

Nắm bắt xu hướng này, vừa qua, Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVET) phối hợp với các chuyên gia hàng đầu đến từ Trường Sangsuh, Hàn Quốc và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức buổi thực hành chuyên sâu về kỹ thuật chăm sóc sắc đẹp cho giảng viên và học sinh, sinh viên của trường. Tại đây, các học viên được tiếp cận kỹ thuật chăm sóc da, tóc và trang điểm, cũng như việc sử dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực làm đẹp. Nhiều sinh viên chia sẻ, qua chương trình giao lưu thực hành chuyên sâu đã giúp các em hiểu và nắm được những kiến thức, những bí quyết, xu hướng làm đẹp mới nhất để không bỡ ngỡ, va vấp khi gia nhập vào ngành công nghiệp làm đẹp trong nước lẫn quốc tế.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh đến thị trường lao động trong nước và ở địa phương; làm thay đổi cấu trúc ngành nghề, việc làm và mang tới nhiều ngành nghề mới. Để thích ứng với sự phát triển hiện nay, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn không ngừng thúc đẩy chương trình đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp bằng việc nghiên cứu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, chính sách nhân lực công nghiệp và hệ thống kiểm định đào tạo. Các đơn vị cũng tăng cường tập hợp, điều chỉnh và phân tích các thông tin liên quan đến cơ cấu nhân lực công nghiệp và khuynh hướng nghề nghiệp.

Theo TS. Lê Văn Luận, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng HueIC, HueIC là một trong những cơ sở GDNN khu vực miền Trung đã sớm có những định hướng phù hợp trong công tác chuyển đổi số, thích ứng với sự phát triển trên tinh thần học hỏi từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về GDNN. Những năm qua, nhà trường đã tiếp cận và đưa vào giảng dạy một số chương trình, ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu lao động của các đơn vị, doanh nghiệp và xã hội. Việc mở cửa hợp tác quốc tế của nhà trường không chỉ góp phần đưa tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm luôn đạt trên 85% mà còn mở rộng cơ hội việc làm và hội nhập khu vực của người người lao động.          

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN