Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai tại xã Phú Hồ, Phú Vang

Rà soát, động viên từng nhà

Thôn Phú Nam, xã Hương Phú, huyện Nam Đông có 82 hộ gia đình, 300 nhân khẩu, trong đó có 45 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đây là khu dân cư 3 năm liên tục không có người sinh con thứ ba (SCTB), dù kinh tế vùng cao còn nhiều khó khăn. Công tác truyền thông giáo dục trong lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm; cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng.

Theo Trưởng thôn Phú Nam - Hồ Sỹ Tiến, chính sách dân số được đưa vào hương ước, quy ước thôn văn hóa. Bên cạnh động viên khen thưởng, có hình thức xử phạt theo quy định nếu vi phạm. Quan trọng nhất là vai trò của mỗi gia đình, từ nhận thức sẽ chuyển sang hành động. Đơn cử, ban đầu chỉ có 22 cặp đăng ký sử dụng các biện pháp tránh thai, thực tế kết quả có 32 cặp triển khai.

Thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy có 6 năm duy trì tốt mô hình khu dân cư không có người SCTB. Toàn thôn có 70 hộ, với 281 nhân khẩu; có 33 cặp vợ chồng đăng ký không SCTB giai đoạn 2021 - 2024. Nhằm thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ, Ban vận động thôn được thành lập với 6 thành viên, gồm bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, cộng tác viên dân số, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, thanh niên; thôn trưởng là trưởng ban). Trong 3 năm 2018 - 2021, đạt thành tích không có người SCTB, thôn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng giấy khen và dùng kinh phí khen thưởng tu bổ, làm mới cổng chào thôn.

Buồng Tằm có 2 tôn giáo chính: Thiên chúa giáo và Phật giáo. Điều đặc biệt là người dân nơi đây đoàn kết, đồng tâm thực hiện nhiều chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, có DS-KHHGĐ. Đóng góp cho sự thành công này, còn có vai trò của cán bộ chuyên trách dân số, các cộng tác viên y tế phối hợp nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số cặp vợ chồng có nguy cơ SCTB trở lên nhằm hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả.

 Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Buồng Tằm - Đỗ Ngọc Nhật thông tin: “Hàng tháng, hàng quý, ban vận động phân công mỗi cá nhân rà soát từng nhà, từng đối tượng để tư vấn, động viên. Qua công tác thăm hỏi, trò chuyện đã nắm bắt được tâm tư tình cảm của từng hộ gia đình, báo cáo với ban vận động có hướng tư vấn truyền thông kịp thời, ngăn chặn được các cặp có nguy cơ sinh con thứ ba trở lên. Trong các cuộc họp tổ chức ở thôn hoặc các buổi gặp mặt trong các dịp lễ 8/3, 20/10… các ban ngành luôn nhắc nhở động viên, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ để bà con nắm vững và thực hiện nghiêm túc’’.

Nhân rộng mô hình, truyền thông trọng điểm

Vận động thực hiện “dừng ở hai con để nuôi và dạy cho tốt”, Chi cục Dân số tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về dân số và phát triển trên các trang web và facebook, zalo, tiktok; phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các buổi nói chuyện theo chủ đề... Theo đánh giá chung, năm 2024, tỷ lệ SCTB trở lên toàn tỉnh là 15,1%, không đạt so với kế hoạch đưa ra.

Có 126 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số; trong đó, có 89 trường hợp vi phạm SCTB (gồm có 27 cặp vợ chồng vi phạm), 10 trường hợp vi phạm sinh con thứ 4 (gồm 2 cặp vợ chồng). Tại lễ phát động Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam mới đây, vấn đề này cũng được nêu ra. Ngoài câu chuyện nhận thức, có lãnh đạo địa phương cho rằng, chế tài xử phạt chưa mạnh cũng là một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ SCTB còn cao.

Năm 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu giảm mức sinh, giảm tỷ lệ SCTB trở lên xuống mức 14,6%. Theo đó, hoạt động truyền thông về dân số và phát triển sẽ ưu tiên theo trọng tâm, trọng điểm, vùng có tỷ lệ SCTB trở lên còn cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh như vùng sâu, vùng xa, ven biển, đầm phá, vạn đò. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Huỳnh Tấn Phấn, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, toàn xã có 5 cụm dân cư đăng ký không có người SCTB, nhưng chỉ có thôn Buồng Tằm “về đích”. Chính quyền xã cũng rút ra nhiều bài học trong việc phối hợp của hệ thống chính trị, sự tích cực của đội ngũ cộng tác viên dân số, đặc thù của các cụm dân cư để có cách truyền thông, vận động phù hợp.

ThS.BSCKII. Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai, nhân rộng “mô hình không SCTB trở lên tại khu dân cư”. Các nội dung, hình thức và cách tiếp cận hoạt động truyền thông, giáo dục sẽ chọn lọc để phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tùy vào điều kiện cụ thể, mỗi một địa phương sẽ đưa ra phương án thiết lập, từng bước mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ trên cơ sở mạng lưới hiện có”.

Để giảm mức sinh và tỷ lệ SCTB trong cộng đồng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan ban ngành. Bên cạnh nhân rộng mô hình, còn có việc tổ chức tốt các đợt tăng cường truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản KHHGĐ vùng đông dân có mức sinh và tỷ lệ SCTB trở lên cao… mới góp phần đạt mức sinh thay thế trên toàn tỉnh vào năm 2030.

Bài, ảnh: L. TUỆ