Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương |
Thưa ông, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội phát triển của Huế trong tương lai?
Mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã trở thành hiện thực. Đây là một mốc son, dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa đặc trưng của Huế.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, tạo ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước; tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, sẽ giúp thành phố Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đô thị Huế hứa hẹn sẽ vươn lên một tầm cao mới trong tương lai. Ảnh: Lê Đình Hoàng |
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như NQ của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Kết quả cũng minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua.
Lễ công bố NQ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Ông chia sẻ gì về sự kiện này; và sau lễ công bố, các bước tiếp theo của tỉnh sẽ như thế nào?
Việc công bố NQ của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn đối với cả khu vực và đất nước. Để công bố và tổ chức sự kiện này, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch cụ thể, kỹ lưỡng để tổ chức một sự kiện trang trọng nhằm chia sẻ niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi của Nhân dân tỉnh nhà với cả nước.
Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế sẽ tập trung vào việc triển khai các kế hoạch và hành động cụ thể để thực hiện NQ của Quốc hội. Cùng với đó là việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp; sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư; chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân... Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ tiến trình tinh gọn bộ máy theo hướng dẫn của Trung ương.
Với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, công tác trùng tu, bảo tồn di tích sẽ được triển khai thuận lợi và đồng bộ hơn. Ảnh: Lê Đình Hoàng |
Đặc biệt, thành phố Huế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương với kỳ vọng đưa đô thị Huế lên một tầm cao mới, một đô thị đặc sắc, mang đậm nét Huế với môi trường sống tốt hơn, môi trường đầu tư tốt hơn, xứng đáng với vị thế mới của mình.
Trong xu thế phát triển hiện nay, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, khó khăn, thách thức lớn nhất của Huế là gì, thưa ông?
Một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị.
Huế được định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc Trung ương; phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống… Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Một câu chuyện cụ thể là trong các cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan liên quan, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách thức phát triển mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa của thành phố, có những đề xuất đầu tư dự án lớn, nhưng nhiều lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích và cảnh quan môi trường.
Vì vậy, Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển phải gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa mặc dù điều này có ảnh hưởng làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, địa phương có thêm nguồn lực khi 100% phí tham quan di tích được giữ lại để trùng tu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; cùng với các nguồn lực huy động khác, công tác trùng tu, bảo tồn di tích sẽ được triển khai thuận lợi và đồng bộ hơn.
Vậy theo ông làm thế nào để giải quyết khó khăn và biến thách thức thành động lực phát triển?
Trong quá trình phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển đô thị.
Theo đó, quá trình xây dựng định hướng phát triển các quy hoạch có liên quan đã định hình và xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực dồn nén đô thị, không gian bảo vệ cảnh quan, không gian bảo vệ di sản và các khu vực tập trung phát triển các khu chức năng (khu du lịch, khu công nghiệp, khu vực phát triển nông nghiệp…). Với các bài toán quy hoạch cụ thể đã xây dựng được các khu vực không gian đô thị không làm ảnh hưởng đến các khu vực có di tích, việc này nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.
Trên cơ sở định hình về phương án quy hoạch và kịch bản phát triển, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển mới như: Tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường vành đai 3... Tập trung hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế, các dự án chỉnh trang đô thị… Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp phù hợp với các lợi thế của địa phương; trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước.
Đối với công tác bảo tồn di sản, Huế tập trung đầu tư một số công trình dự án trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế, di tích xuống cấp nghiêm trọng; tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản.
Các chương trình giáo dục cộng đồng về bảo tồn văn hóa đã được triển khai và tiếp tục tăng cường hơn nữa nhằm nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của di sản và cách thức bảo tồn.
Nhờ vào các giải pháp này, Huế sẽ không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra một mô hình phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống.
Xin trân trọng cảm ơn ông!