Nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc lan tỏa làn sóng Hallyu gây sốt toàn cầu. Ảnh minh họa: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trước khi bước vào năm Ất Tỵ 2025, hãy cùng nhìn lại năm 2024:

Thương vong do khí hậu ở châu Á

Tại châu Á - khu vực nổi tiếng với các thảm họa thiên nhiên được đưa tin trên toàn cầu, năm 2024 đã chứng kiến thêm hàng nghìn “thương vong do khí hậu”.

Không giống như 20 năm trước, khi trận động đất và sóng thần tàn khốc ở Ấn Độ Dương cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người, năm 2024 là năm ghi nhận con số thương vong ngày càng tăng do bão, lũ lụt, nắng nóng và hạn hán.

Trong một ví dụ, Siêu bão Yagi, một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Đông Nam Á trong nhiều năm qua đã xảy ra vào tháng 11, để lại nhiều chết chóc và tàn phá”. Từ Philippines đến miền Nam Trung Quốc và Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, cơn bão đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và tàn phá nhiều cộng đồng và sinh kế. 

Lũ lụt từ những cơn mưa gió mùa hàng năm cũng khiến hàng triệu người mắc kẹt và hàng trăm người thiệt mạng ở Afghanistan, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Nepal, khiến năm nay trở thành một trong những năm chết chóc nhất trong ký ức gần đây. Trong khi đó, nếu không phải là lượng mưa phá kỷ lục, thì sẽ là hạn hán kèm theo nhiệt độ thiêu đốt, dẫn đến nhiều tháng thiếu nước nghiêm trọng.

Với các hiện tượng thời tiết cực đoan dường như ngày càng trở nên phổ biến và nạn nhân của chúng thường bị lãng quên, những tổn thất về khí hậu trong khu vực năm 2024 được coi là Năm tồi tệ nhất ở châu Á. 

Năm của tỷ lệ sinh thấp kỷ lục

Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục tiếp tục là mối quan tâm lớn ở tất cả các nền kinh tế lớn ở Đông Á, bao gồm cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản…

Hậu quả kinh tế lâu dài có thể rất đáng kể khi các quốc gia phải đối mặt với tình trạng lực lượng lao động giảm sút và dân số già đi.

Phụ nữ trên khắp Đông Á có ít hoặc không có con. Vai trò giới tính thay đổi, giờ làm việc dài, chi phí nhà ở, giáo dục và chăm sóc trẻ em cao đều được coi là một số yếu tố dẫn đến xu hướng nhân khẩu học này.

Vào cuối năm, Hàn Quốc cũng chính thức được tuyên bố là một xã hội “siêu già” do tỷ lệ công dân từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm 20% dân số, theo cung cấp từ Bộ Hành chính và An toàn Hàn Quốc.

Năm phát triển đáng mừng của làn sóng văn hóa “Hallyu” của Hàn Quốc

Với sự phổ biến của âm nhạc K-pop, phim truyền hình K-drama, sản phẩm làm đẹp K-beauty, gà rán Hàn Quốc, cũng như đồ ăn K-food, nhìn chung, nhiều người trên thế giới đã bị khuất phục trước “Hallyu” - làn sóng văn hóa cực kỳ phổ biến của Hàn Quốc.

Với nhiều bộ phim đạt giải thưởng quốc tế và trở thành hiện tượng toàn cầu như Trò chơi con mực (Squid Game), Nữ hoàng nước mắt (Queen of Tears)…, hay Hàn Quốc có tác giả nữ đầu tiên giành giải Nobel văn học, năm 2024 đã chứng tỏ là một năm tốt lành cho làn sóng đang mở rộng này.

Theo dự đoán, Hàn Quốc với làn sóng “Hallyu” có thể đạt lợi ích từ thị trường toàn cầu lên đến 198 tỷ USD vào năm 2030.

Năm của “thần tượng” Thái Lan

Đáng chú ý là chú hà mã lùn cái có tên Moo Deng (Thái Lan) đã gây sốt trên toàn thế giới vào năm 2024 khi trở thành ảnh minh họa, meme của nhiều người.

Năm 2024 là năm Rồng theo âm lịch, nhưng rõ ràng cũng là Năm Hà mã trong trái tim và tâm trí của người hâm mộ Moo Deng ở châu Á và nhiều quốc gia hơn nữa.

Bên cạnh các yếu tố khác cả về chính trị và kinh tế, với cả niềm vui và nỗi buồn, các chuyên gia vẫn chúc mọi người một năm 2025 tràn ngập hi vọng và niềm vui.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)