Nhiều đoàn làm phim đến Huế không chỉ choáng ngợp bởi đâu đâu cũng có thể trở thành phim trường. Ngoài di sản, cảnh sắc Huế thơ mộng và có chút gì đó “lững lờ trôi” như níu thời gian chậm lại khi lên phim khiến nhiều người trầm trồ. Nhờ thế, điện ảnh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quảng bá văn hóa di sản Huế không chỉ dừng lại trong nước, mà còn vươn xa toàn cầu.

 Nổi tiếng là đô thị di sản cổ kính, Huế nhờ thế trở thành điểm đến của điện ảnh trong nước lẫn quốc tế

Từ điện ảnh lan tỏa sang du lịch

Cùng với Phú Yên, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…, Thừa Thiên Huế vừa được vinh danh vào "top" 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim tại Việt Nam năm 2024 (Production Attraction Index – PAI).

Chỉ số này được Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố vào giữa tháng 12. PAI được xem là công cụ đánh giá mức độ hỗ trợ của các địa phương đối với ngành điện ảnh và du lịch. Với 5 thành phần chính (tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng), PAI còn được xem là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Từ chỉ số này, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong biên giới đất nước.

Với việc vinh danh này, một lần nữa khẳng định Thừa Thiên Huế trở thành một phim trường lớn, điểm đến ấn tượng của điện ảnh nói chung và các nhà làm phim nói riêng, không chỉ kích cầu quảng bá du lịch mà còn góp phần định hình nên giá trị theo hướng công nghiệp văn hóa.

Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, với hệ thống di sản Huế từ kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, phủ đệ, nhà vườn… cùng hàng ngàn hiện vật quý, nhiều loại hình di sản văn hóa đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các đoàn làm phim trong và ngoài nước. Và, lịch sử phát triển điện ảnh Việt Nam đã ghi dấu nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc được sản xuất, lấy bối cảnh, nội dung về Huế để lại ấn tượng trong lòng khán giả như: Đông Dương của đạo diễn Régis Wargnier, Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Ngọn nến hoàng cung của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai…

Ngoài ra, nhiều đạo diễn đã đặc biệt chú ý sử dụng bối cảnh đặc trưng của Huế làm điểm nhấn góp phần thành công cho các bộ phim mới ra mắt trong những năm gần đây, như: Nàng thơ xứ Huế, Gái già lắm chiêu 3, Gái già lắm chiêu 4, Kiều, Mắt biếc, Em và Trịnh, Linh Miêu… Cùng với đó, những năm gần đây, Huế cũng đón hàng chục đoàn làm phim, phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp.

Chỉ tính riêng năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn, hỗ trợ 32 đoàn làm phim trong nước đến quay phim - sử dụng bối cảnh làm phim ở Huế. Điều này đã khẳng định tiềm năng và sức hút to lớn của Huế đối với các nhà làm phim, các đơn vị điện ảnh.

Đường phố Huế trở thành bối cảnh trong phim Mắt Biếc. Ảnh: ĐPCC 

Chính sách cởi mở

Bà Dương Thị Ngọc Linh, cán bộ Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình – Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, hiện nay Huế chưa có văn bản chính thức về việc miễn phí/giảm phí thuê mặt bằng để làm bối cảnh quay phim cho các đoàn làm phim. Tuy nhiên trong thực tế, địa phương luôn thực hiện giảm vé, miễn vé cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước khi liên hệ sử dụng các địa điểm có sẵn của địa phương để làm bối cảnh quay phim. Có thể kể đến Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô là đơn vị đi đầu trong công tác hỗ trợ giảm vé, miễn vé để các đoàn làm phim được sử dụng bối cảnh quay trong các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế như Đại Nội, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, cung An Định…

Bên cạnh đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ sở đều có trách nhiệm hỗ trợ tốt nhất cho các đoàn làm phim về các thủ tục pháp lý, giao thông công chính, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy… Các đoàn làm phim còn ấn tượng hơn khi nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đội ngũ nghệ nhân nhiệt tình, có kinh nghiệm trong các ngành sản xuất thủ công tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Điều này giúp các đoàn làm phim hoàn thành các bộ phim mang tính chân thực, sâu sắc và phù hợp với bản sắc văn hóa, con người Huế.

Với những ưu thế đó, theo bà Linh, trong tương lai để kích cầu và tạo điều kiện cho các đoàn làm phim, Huế cần tiếp tục triển khai các quy định của pháp luật về điện ảnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, cần tinh giản các thủ tục liên quan và gia tăng các chỉ dẫn, hỗ trợ thuận lợi nhất cho các đoàn làm phim. Đi kèm với đó cần có chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn nghiên cứu, xây dựng phim trường chuyên nghiệp bên cạnh các phim trường tự nhiên để khai thác một cách bền vững thế mạnh này.

Nói thêm về việc lọt vào "top" 10 Chỉ số PAI, bà Linh cho rằng, điều này một lần nữa khẳng định Thừa Thiên Huế trước đây và hiện nay là địa phương có đầy đủ tiềm năng, lợi thế di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo không nơi nào có được để làm nền tảng cho điện ảnh phát triển.

NHẬT MINH