Sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến đang kéo theo những tác động to lớn đến môi trường. Ảnh minh họa: Instagram

Theo dự báo của Euromonitor, đến cuối năm nay, châu Á sẽ chiếm 50% tổng doanh số bán lẻ trực tuyến trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn khi đây hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về doanh số bán lẻ thương mại điện tử.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến không chỉ gây ra nhiều vấn đề cho chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn kéo theo các tác động to lớn đến môi trường, với những hậu quả nghiêm trọng cho hành tinh. Những tác động này có thể được nhìn thấy trên toàn thế giới và đặc biệt rõ ràng ở Trung Quốc - quốc gia có hơn 50% doanh số bán lẻ đến từ mua sắm trực tuyến.

Theo các nhóm bảo vệ môi trường, bao bì sản phẩm góp phần lớn vào lượng khí thải CO2 toàn cầu, từ việc sản xuất nhựa, gây ô nhiễm hệ sinh thái, cũng như tạo ra lượng rác thải khổng lồ cho các bãi rác hiện nay. Nhóm bảo tồn rừng Canopy phát hiện ra rằng mỗi năm, khoảng 3 tỷ cây xanh bị đốn hạ và nghiền thành bột giấy để sản xuất 241 triệu tấn thùng carton vận chuyển. Và trong số 86 triệu tấn bao bì nhựa được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm, thậm chí không đến 14% trong số đó được tái chế.

Đối với Trung Quốc, số liệu cho thấy chỉ riêng trong năm 2020, dịch vụ chuyển phát nhanh của nước này đã xử lý 83 tỷ bưu kiện, chiếm 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và gần 10 triệu tấn rác thải giấy. Khi không gian cho các bãi chôn lấp trở nên khan hiếm hơn, Trung Quốc đang phải vật lộn để giải quyết “ngọn núi” rác thải thương mại điện tử đang ngày càng tăng. Được biết, một số công ty đang phát triển bao bì bền vững hơn, trong khi Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các bước để quản lý các tiêu chuẩn về bao bì đóng gói.

Bên cạnh đó, khí thải từ việc vận chuyển cũng là một tác động môi trường khác của mua sắm trực tuyến. Việc vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới chịu trách nhiệm cho một phần lớn lượng khí thải CO2 do thương mại điện tử tạo ra. Năm 2020, việc vận chuyển và trả lại sản phẩm chiếm 37% tổng lượng khí nhà kính GHG.

Ước tính đến năm 2030, số lượng xe giao hàng sẽ tăng 36%, đạt khoảng 7,2 triệu xe. Điều này không chỉ dẫn đến việc gia tăng khoảng 6 triệu tấn khí thải CO2 mà còn làm tăng thời gian đi lại thêm 21%, vì các phương tiện sẽ mất nhiều thời gian hơn để di chuyển do tình trạng tắc nghẽn giao thông tăng lên.

Rõ ràng không thể phủ nhận cuộc cách mạng thương mại điện tử đã mang lại những lợi thế to lớn. Tuy nhiên, không được bỏ qua tác động môi trường của mua sắm trực tuyến. Mặc dù nhiều công ty đang cố gắng trở nên bền vững hơn là một bước tiến tốt, nhưng những thay đổi này sẽ không giải quyết được hoàn toàn vấn đề.

Người tiêu dùng là người có tiếng nói cuối cùng, và chính hành vi và quyết định của họ sẽ quyết định mức độ tác động của ngành này đến môi trường. Do đó, cách duy nhất để đảo ngược xu hướng nguy hiểm mà thương mại điện tử đang gây ra là cần phải có sự thay đổi tư duy cả từ phía nhà sản xuất và từ phía người tiêu dùng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Euromonitor)