Tiếp theo ngay sau Mỹ, các quốc gia có tỷ lệ lạm dụng vũ khí sát thương tính theo bình quân đầu người cao nhất thế giới lần lượt là Yemen, Thụy Sĩ, Phần Lan và Serbia.

Hiện trường một vụ xả súng xảy ra ở Mỹ - Ảnh: AP.

Đây là những phân tích do luật sư Adam Lankford từ Đại học Alabama (Hoa Kỳ) thực hiện dựa trên số liệu ghi nhận các vụ xả súng diễn ra trên khắp thế giới dẫn đến cái chết của từ 4 người trở lên. Phân tích này không bao gồm các sự cố xảy ra ở nhà riêng hoặc có liên quan đến các hoạt động tội phạm.

Bên cạnh việc có số vụ xả súng giết người hàng loạt cao nhất toàn cầu, Mỹ cũng đứng đầu thế giới về số lượng vũ khí tính theo bình quân đầu người, với tỷ lệ khoảng 88,8% -tương đương với trung bình 100 người Mỹ thì có 88,8 khẩu súng. Theo các chuyên gia, chính đây là lý do khiến thảm kịch thường xuyên xảy ra. Vị trí thứ 2 thuộc về Yemen, nơi có tỷ lệ sở hữu súng thấp hơn rất nhiều - 58 khẩu trên 100 người.

Mặc dù nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc người dân sở hữu vũ khí và số lượng các vụ giết người hàng loạt có tỷ lệ cao ở Hoa Kỳ, nhưng tác giả Adam Lankford cũng cho rằng, có thể có sự tác động của nhiều yếu tố khác nữa.

"Ở Hoa Kỳ, nơi mà nhiều người tin rằng họ sẽ có thể gặt hái được những thành công lớn và thực hiện được "giấc mơ Mỹ" thì ở họ cũng rất có thể vấp phải nguy cơ xảy ra những suy nghĩ đột biến nguy hiểm khi vấp phải trở ngại trong sự nghiệp hoặc có tiếp xúc tiêu cực với bạn bè, đồng nghiệp hoặc cấp trên. Thêm vào đó còn có hàng loạt các hiện tượng nguy hiểm như trầm cảm, tâm thần phân liệt, hoang tưởng, … những yếu tố có thể giải thích nguyên nhân tại sao ở Mỹ lại có số vụ xả súng gây chết người cao như vậy", ông Lankford giải thích.

Tố Quyên (lược dịch từ Sputnik)