Đây là một loài cây bụi thường xanh, thuộc họ hoa lài – Oleaceae, tên khoa học là Ligustrum indicum (indicum: ở Ấn Độ), một thời được cho là có nguồn gốc ở Nepal với tên khoa học là Ligustrum nepalense. Thế giới còn biết loài hoa râm dưới tên gọi tiếng Anh là Indian privet. Ở Việt Nam, người miền Bắc thường gọi là hoa giâm, người miền Trung gọi là hoa râm và người miền Nam lại gọi là hoa ram, ngoài ra có nơi còn gọi là cây nữ trinh. Bên cạnh loài hoa râm vừa nêu, ở đất nước ta còn có ít nhất 3 loài loài râm khác nữa, đó là râm đại mộc (L. robustum), râm bì khổng (L. confusum) và râm Trung Quốc (L. sinense) và để phân biệt với 3 loài này, tôi gọi loài râm nói trên là râm nữ trinh. Trong cả 4 loài đó, loài râm nữ trinh cho hoa đẹp nhất và thơm nhất, nên cũng được ưa chuộng nhất.


Cây râm ở vườn nhà số 19 Phan Đình Phùng Huế
Râm nữ trinh cao khoảng 1-6 m tùy điều kiện sống và tuổi cây; cành non có lông sát; lá có phiến hình bầu dục thon, đỉnh hơi nhọn, mặt trên không lông, mặt dưới có lông ngắn. Hoa tự kiểu chùm tụ tán ở ngọn cành, hoa nhiều chi chít, nhỏ, tràng màu trắng, tỏa hương thơm ngát. Vào thời điểm trổ hoa rộ, nếu gặp thời tiết nắng ráo, cây được phủ bởi một vòm tán trắng xóa nổi bật giữa không gian đa sắc của cảnh quan rất ấn tượng. Chính vì có cách ra hoa tập trung, với sắc trắng thanh bạch lại có hương thơm ngào ngạt nhưng không hăng hắc như một vài loài hoa khác, nên nó đã trở thành loài cây cảnh được nhiều người mến mộ. Đó là lý do khiến nó hiện hữu khắp cùng trong các khu đô thị và cả vùng nông thôn của ba miền đất nước chúng ta.
Ngoài tác dụng tạo cảnh, gỗ hoa râm còn được làm tăm xỉa răng, lá dùng chữa bệnh. Lá có tinh dầu, có tính bình, vị đắng, có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng. Lá được ngâm trong giấm hay nước tiểu dùng làm thuốc đắp trị sưng giập. Dân gian thường dùng lá để trị bệnh bàng quang. Có nơi còn dùng hạt rang lên để uống thay cà-phê.
Có thể nhân giống râm nữ trinh bằng gieo hạt hoặc giâm cành. Hạt có khả năng tái sinh mạnh nên trước khi gieo không cần xử lý, chỉ cần gieo trực tiếp vào khay hay vào túi bầu, sau đó chuyển cây con vào chậu nuôi dưỡng một thời gian trước khi cây đủ mạnh để đưa trồng nơi dự định. Thời vụ gieo hạt tốt nhất là vào mùa xuân. Khi giâm cành cần chọn cành bánh tẻ cắt thành từng đoạn 5-10 cm có vài chồi nách hoặc chọn cành già cắt thành từng đoạn 20-30 cm để giâm. Thời gian giâm cành thích hợp vào cuối vụ đông đầu xuân.
Cây dễ tính, thích sáng, trồng được trên nhiều chân đất khác nhau, chịu được hạn, chịu bóng rợp vừa phải, không chịu úng. Có thể trồng đất hay trồng chậu. Trồng đất có thể chọn làm điểm nhấn cho góc sân vườn, góc công trình, điểm xuyết các tâm điểm vườn hoa hoặc tạo đường viền cho các khu biệt thự lớn… Trồng chậu có thể uốn nắn, cắt tỉa tạo dáng thành cây bonsai theo ý tưởng của từng nghệ nhân.
Ở Huế, nhiều nhà vườn tư gia, vườn chùa… có trồng hoa râm. Mặc dù nó chưa được chọn làm cây hàng hóa như nhiều loài hoa-cây cảnh khác, nhưng không vì thế mà kém phổ biến. Hữu xạ tự nhiên hương, hoa râm đã hấp dẫn nhiều cư dân xứ Huế và vì yêu cây cỏ, thích hương hoa nhiều người đã tự tìm kiếm, dẫn giống để tạo cho vườn nhà mình một vài cây.
Đỗ Xuân Cẩm