Du khách học nấu món Huế - sản phẩm tìm hiểu lối ăn, lối ở của người Huế |
Chuyện hàng ngày
Với mong muốn giới thiệu cho du khách cuộc sống thực của người dân qua việc khám phá cuộc sống thường nhật, những làng nghề truyền thống độc đáo, anh Vĩnh Hoàng (40 Hồ Xuân Hương, TP Huế) đã xây dựng tour du lịch tìm hiểu cách ăn, cách ở của người Huế. Đưa vào khai thác hơn một năm nay, sản phẩm này được du khách đón nhận khi tạo được những điểm nhấn tinh tế. Tuy nhiên, anh Hoàng cho biết, đến nay, đã có một số công ty khai thác sản phẩm tương tự như vậy. Nhưng, để cạnh tranh, giá những sản phẩm tương tự hạ xuống còn một nửa so với sản phẩm của anh.
Công ty du lịch Việt Pháp service là đơn vị tiên phong xây dựng sản phẩm tham quan làng cổ Phước Tích. Để hoàn thiện sản phẩm, công ty này đã tốn nhiều công sức, tiền của đầu tư xây dựng mô hình homestay ở làng cổ, từ việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa, tập huấn người dân cách làm du lịch, thương thảo, quảng bá... Người dân không quen làm du lịch, những ngày đầu, cả công ty từ giám đốc đến lái xe phải xắn tay vào làm mọi việc, kể cả dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo để đón khách. Khi tour du lịch làng cổ được nhiều người biết đến và được du khách yêu thích, nhiều công ty khác cũng nhảy vào khai thác. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc kinh doanh lữ hành Hương Giang, lúc ấy là người điều hành Công ty du lịch Việt Pháp service chia sẻ: “Lúc đầu, họ còn thông qua đơn vị tiên phong thuê lại các dịch vụ. Sau một hai lần, người ta không thông qua mình nữa mà trực tiếp làm với người dân. Thêm nhiều hãng đưa khách về là điều quá tốt với người dân nơi đây. Tuy nhiên, cũng chạnh lòng khi người ta không tốn công sức đầu tư mà vẫn hưởng lợi”.
Một trường hợp đơn cử nữa là sản phẩm cơm vua. Xuất phát điểm của sản phẩm này vốn từ Khách sạn Hương Giang. Hồi ấy, sản phẩm bán cho khách không hề rẻ, với giá 35 USD một suất và đã khẳng định được thương hiệu, tạo nên sản phẩm hỗ trợ độc đáo cho du lịch Cố đô. Dần dà, nhiều doanh nghiệp cũng bắt chước làm với nhiều mức giá khác nhau và đến nay, sản phẩm cơm vua trở nên... bát nháo về giá trị vật chất lẫn hàm lượng văn hoá.
Hạ giá thành, giảm chất lượng
Trong du lịch, việc sao chép sản phẩm diễn ra từ rất lâu, trở thành chuyện thường ngày. Một đơn vị bỏ công sức, kinh phí để khảo sát, thiết kế, thử nghiệm và cho ra đời sản phẩm độc đáo, riêng biệt để thu hút khách thì sau một thời gian hoạt động hiệu quả, sản phẩm này sẽ bị những đơn vị khác sao chép, bắt chước y chang hoặc có biến tấu, thay đổi đôi chút thành sản phẩm của mình một cách dễ dàng. Đây là bài toán nan giải tồn tại trong ngành du lịch bấy lâu nay. Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Một số doanh nghiệp không chịu phát triển sản phẩm mà thấy đơn vị nào ra sản phẩm mới khai thác được là... nhái lại, ra sản phẩm tương tự. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh”.
Để “cạnh tranh”, những đơn vị sao chép thường hạ giá thành sản phẩm. Đương nhiên, việc hạ giá đi kèm với cắt bớt dịch vụ, giảm chất lượng sản phẩm và sức hút của điểm đến. Theo anh Vĩnh Hoàng, nếu sao chép mà duy trì tốt chất lượng sản phẩm sẽ thúc đẩy sự phát triển du lịch của địa phương khi có nhiều đơn vị cùng khai thác. Tuy nhiên, để giảm chi phí, họ cắt giảm bớt chương trình, dịch vụ sẽ làm mất đi mục tiêu ý nghĩa ban đầu mà người xây dựng sản phẩm muốn mang đến cho du khách. Hơn nữa, khi sản phẩm tương tự có giá thấp hơn, bắt buộc đơn vị đi đầu tạo ra sản phẩm cũng phải hạ giá. “Khi xây dựng sản phẩm du lịch, tôi đã phải tính đến cách thức để hạ giá trong trường hợp có cạnh tranh nhưng vẫn giữ được chất lượng. Tuy nhiên, không ngờ họ hạ giá kinh khủng”, anh Hoàng ngao ngán.
Ông Trần Viết Lực cho rằng, thực trạng này là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm du lịch của Thừa Thiên Huế chậm phát triển, vì các doanh nghiệp ngại phát triển sản phẩm. “Không ai muốn đứng ra tiên phong khai phá sản phẩm mới, vì tốn thời gian, công sức khảo sát, điều tra, tiếp thị, quảng bá… nhưng khi hình thành thì người khác lại nhảy vào sao chép mà không thể làm gì được”, ông Lực nói thêm.
Chấp nhận... sống chung
Dễ bị sao chép là thực trạng của du lịch nhưng hiện nay, vẫn chưa có quy định nào có thể căn cứ để có các biện pháp chế tài hay bảo hộ. Ông Trần Viết Lực cho hay: “Ngành du lịch chưa có hướng dẫn về các tiêu chí của sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch cũng chưa có quy định đăng ký bản quyền và dù có đăng ký bản quyền, cũng khó có cơ sở xử lý. Khi sao chép, người ta đổi tên khác đi hoặc thay đổi lộ trình, dịch vụ khác đi thì khó có cơ sở để nói người ta vi phạm bản quyền. Không như các sản phẩm hữu hình khác, sản phẩm du lịch mang “tính chất vô hình” phát sinh từng ngày, từng giờ và không ai bảo hộ cho sản phẩm mang tính chất vô hình được cả”.
Ở một khía cạnh khác, tài nguyên du lịch không thuộc riêng ai, người này khai thác được thì người kia cũng khai thác được. Bà Lê Thị Ánh Tuyết băn khoăn: “Tài nguyên du lịch là của chung và người ta quan niệm của chung nên anh làm được, tôi cũng làm được, khó phân biệt giữa sản phẩm của người đi trước – người đi sau. Bị sao chép cũng bực mình nhưng mình không thể độc quyền nên rất tế nhị và khó nói. Vì thế, trong du lịch, thực trạng này không giải quyết được”.
Cũng theo ông Trần Viết Lực, hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng chưa có quyền can thiệp vào việc này, có thể tổ chức CLB lữ hành, phát huy vai trò của các hiệp hội, hội nghề nghiệp để hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết hợp tác cùng khai thác sản phẩm trên cơ sở bảo đảm chất lượng, giá cả.
Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh:
Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý
Suy cho cùng, đây là câu chuyện về thương hiệu. Khi có người thứ hai cùng làm thì nảy sinh vấn đề cạnh tranh và cần có sự can thiệp từ phía Nhà nước. Câu chuyện này sẽ lặp đi lặp lại nếu không có sự tham gia từ phía cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý thương hiệu của doanh nghiệp. Cần có quy định và sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp mới bảo vệ được sản phẩm du lịch.
Có thể xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm, nếu doanh nghiệp nào khai thác thì phải làm theo đúng quy chuẩn, chất lượng của sản phẩm. Tài nguyên du lịch, điểm đến là của chung, doanh nghiệp nào cũng có quyền khai thác. Vì thế, Nhà nước cũng cần có quy hoạch sản phẩm để có sự phát triển hợp lý.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế:
Tạo đặc trưng riêng cho sản phẩm
Dù có bị sao chép, người khai phá ra sản phẩm cũng có cách để tạo và duy trì đặc trưng riêng của sản phẩm bằng những đặc trưng riêng thuộc về tính năng kỹ thuật, có kênh quảng bá để giữ được nguồn khách của mình.
Những đơn vị, doanh nghiệp lữ hành lớn rất chú trọng đến việc thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu, xây dựng các chương trình sản phẩm và công bố, giới thiệu ngay trên website hay những tập gấp riêng của đơn vị mình. Vietravel có phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch riêng, công ty luôn chú trọng xây dựng sản phẩm mới có tính khác biệt; đồng thời thiết kế những chùm tour theo mùa, theo từng thời điểm du lịch trong năm nên khó bị sao chép.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist:
Đàm phán để cùng hợp tác
Chúng tôi hoan nghênh các đơn vị cùng khai thác với điều kiện là họ cam đoan bảo đảm chất lượng sản phẩm, không phá giá
Nhiều sản phẩm của Huetourist từng bị sao chép và bán giá thấp hơn. Trong các trường hợp này, chúng tôi đã chủ động tiếp cận, cùng với đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngồi lại để đàm phán, thuyết phục họ cùng nhau giữ chất lượng, giữ giá cho sản phẩm. Một buổi cà phê hoặc một cuộc hẹn sẽ tạo ra sự thân thiện, gần gũi và cảm thông, chia sẻ. Hoặc có thể dùng thiện chí hỗ trợ về tài chính, kênh quảng cáo… Bằng những cách này, hầu hết các doanh nghiệp đều hợp tác. Họ khai thác nguồn khách của họ, mình khai thác nguồn khách của mình, đừng phá giá, đừng thay đổi chương trình làm biến dạng tour để bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, bảo vệ điểm đến.
Nguyệt Tú (ghi)
|