Sáng dậy, chiếc áo ấm đã định cất vào ngăn tủ giờ lại được khoác vào. Con mèo ốm khôn ngoan cũng biết trốn lạnh bằng cách nằm trong góc phòng. Rét ngọt làm cho cây đâm thêm nhiều chồi non và lá cây gần như mượt mà hơn. Mùa rét giêng hai, nhiều cây bàng trổ đầy lộc non lá đỏ và trong góc công viên ven bờ sông những cành xoan “hoa tím rụng tơi bời”.  

Cơn rét ngọt bất ngờ làm mặt đất vương vãi cánh hoa. Gió chỉ đi qua nhưng cây hai bên đường như sà xuống thấp hơn. Bởi rét ngọt nên má ai cũng hây hây. Người ta bảo dòng sông Hương đầy khói. Ừ, cái màu sương khói của Huế đây! Cái màu hư vô ấy khó để cho ai định nghĩa được gì. Bởi không ai có thể gói vào ký ức để làm hành trang, cũng không biết miêu tả sao cho người khác hiểu. Cuối cùng chỉ có thi sĩ họ Hàn là người duy nhất mang đến cho người ta cảm nhận “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Đó là màu của liêu trai, bởi người ta cứ như trong mơ hồ huyễn hoặc mà chẳng biết gọi tên… chỉ biết là khói sương, là màu của tháng năm.
Khi những cơn gió mang cái rét lạnh đến để thành phố nhuốm màu lãng đãng khói sương, người biết bảo đó là những cơn rét ngọt. Trời cứ rét như thế, ví như cô gái làm duyên, đến ba bốn ngày rồi mưa mới kéo đến. Mưa như rây từng hạt bụi li ti, mưa như chàng họa sĩ quét những mảng màu lên tấm toil trắng xóa. Mưa không đủ cho dòng sông dâng nước lên nhưng đã làm dùng dằng cho những con đò không biết chao về phía nào. Cứ tưởng mặt nước đang đứng yên, ai biết sông lững lờ để dày thêm hoài niệm... Mưa không níu giữ được ai để họ cứ hứng khởi đi về trong mưa. Mùa rét ngọt chỉ một chiếc ô nhỏ cũng đủ đưa người qua phố ngắm Huế mờ sương, nhìn Huế trong mưa. Có không ít người cầu cho đợt rét đừng mau qua. Cuối những đợt rét lộc hiếm hoi trời cứ lành lạnh, thỉnh thoảng mưa rồi thêm một chút nắng, bình minh và hoàng hôn làm ngày như ngắn hơn, Mặt nước đã bắt đầu phà lên hơi ấm và đâu đây có những bài tình ca mưa về qua thành phố cổ. Để người ở đây phải nhớ đến mưa ở một nơi nào… xa lắm khi cái rét đang còn rất ngọt.
Nguyên Hương