Hỗ trợ vốn vay, phát triển nghề truyền thống tại địa phương

Đổi mới phương thức giảm nghèo phù hợp

Qua các thời kỳ, ngành LĐ, TB&XH Thừa Thiên Huế được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua, 5 năm liền (2010-2015) được Bộ LĐ, TB&XH tặng cờ thi đua xuất sắc, nhiều bằng khen của Chính phủ, của Bộ LĐ, TB&XH và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng cho các đơn vị và cá nhân trong ngành.
Công tác giảm nghèo gắn với tăng trưởng bền vững là mục tiêu quan trọng của tỉnh. Với việc huy động tổng hợp các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, đầu tư tập trung, trọng điểm và đúng địa chỉ, chương trình giảm nghèo góp phần cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân. Các chính sách và giải pháp xoá đói giảm nghèo thiết thực, đồng bộ hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống, tạo việc làm, tiếp cận thị trường; nâng cao khả năng tự vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân. Huy động sự trợ giúp của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội, động viên người nghèo, vùng nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Phương thức xóa đói giảm nghèo được đổi mới phù hợp với chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo do Chính phủ đề ra. Người nghèo có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống. Chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nghèo được nâng cao, nhất là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi và phụ nữ.
Chương trình xóa nhà ở tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo thực sự trở thành nội dung quan trọng trong kế hoạch hằng năm của các cấp, các ngành. Từ đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thu hút sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân, sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế... Từ sự hỗ trợ thiết thực đó, đồng bào miền núi đã chú trọng hơn trong công tác tạo đất sản xuất, lập vườn, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các vùng cà phê ở A Lưới, cao su ở Nam Đông, Hương Trà, Phong Điền… được đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được kiên cố hóa… Chính nỗ lực đó, Thừa Thiên Huế được Trung ương công nhận là một trong những tỉnh thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả và trở thành điểm sáng về thực hiện công tác xóa nhà ở tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo đặc biệt khó khăn trong cả nước. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn dưới 4,5%, chênh lệch khoảng cách giữa các vùng miền được thu hẹp.
Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Phát triển cây cà phê xóa đói giảm nghèo

 
Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và tự tạo việc làm theo định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương, nhất là đối với người nghèo, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ và các hộ tái định cư. Quy mô mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng, phát triển mạnh với 3 cấp trình độ; đa dạng hóa các loại hình đào tạo công lập và ngoài công lập. Đến nay, trên địa bàn có 35 cơ sở dạy nghề, nâng cấp trường trung cấp lên cao đẳng; hoàn thành việc thành lập các trung tâm dạy nghề cấp huyện, góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề ở các vùng, địa phương. Chất lượng và hiệu quả dạy nghề từng bước được nâng lên. Đội ngũ giáo viên ngày càng tăng cả số lượng và chất lượng. Đầu tư cơ sở vật chất và huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho dạy nghề được chú trọng... Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đào tạo trên 80 ngàn lao động học nghề, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2015 đạt 56%.
Đối với việc giải quyết việc làm cho người lao động, ngành LĐ, TB&XH tích cực tham mưu triển khai chương trình việc làm và đào tạo nghề, tập trung nghiên cứu, xây dựng và đề xuất chính sách, giải pháp để huy động các nguồn lực cho phát triển sản xuất, tạo việc làm. Các chính sách ưu đãi khuyến khích hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề có thu hút nhiều lao động tiếp tục thực hiện. Bình quân, hàng năm giải quyết việc làm từ 15 đến 16 ngàn lao động. Vấn đề vốn vay giải quyết việc làm được thực hiện có hiệu quả. Đối với doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất, làng nghề, trang trại đã được ưu tiên vay vốn nhằm tạo việc làm ổn định và chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. Ngành lao động tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện đầy đủ chính sách đối với người lao động.
Ngoài công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, công tác thực hiện chính sách đối với người có công được giải quyết kịp thời, đầy đủ góp phần nâng cao đời sống cho người có công với cách mạng. Giai đoạn 2011-2015, từ nguồn hỗ trợ của các cấp, toàn tỉnh đã xây dựng và sửa chữa trên 3.700 nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 75 tỷ đồng... Đến nay, có trên 99% gia đình có công có cuộc sống cao hơn hoặc bằng người dân tại nơi cư trú. Công tác bảo trợ xã hội, giúp người nghèo, các đối tượng yếu thế cũng được mở rộng và được xã hội quan tâm hơn; cơ sở vật chất của các cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng xã hội được mở rộng. Đến nay, có trên 47 ngàn đối tượng xã hội được trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng, giúp họ giải quyết được một phần khó khăn trong đời sống. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới mặc dù mới tiếp nhận nhưng đã được quan tâm, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành luôn chú trọng đến công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành LĐ,TB&XH gắn với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thường xuyên cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bằng các chương trình, đề án, dự án và kế hoạch tổ chức thực hiện. Công tác thanh, kiểm tra cơ sở, kịp thời uốn nắn những sai lệch, thiếu sót trong thực hiện chính sách Lao động – TBXH luôn được quan tâm. Công tác thi đua, tuyên truyền thường xuyên được phát động và thực hiện sôi nổi. Đặc biệt, với chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước, ngành đã có những bước tiến đáng kể.
Bài, ảnh: Huế Thu