“Một số tư liệu về Tiến sĩ Việt Nam dưới các triều đại phong kiến” là tên của triển lãm được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) phối hợp khai mạc sáng 29/8 tại Đại Nội.


Giới thiệu với các đại biểu về những sắc phong Tiến sĩ

Tại triển lãm này, du khách có thể tiếp cận, tham quan  khoảng 50 hình ảnh tư liệu về bằng Tiến sĩ, sắc phong quan chức cho các Tiến sĩ, các Nho sinh đỗ Tam trường, Tứ trường, sắc phong tước hiệu cho gia đình các Tiến sĩ và một số tài liệu khác liên quan đến Tiến sĩ và các dòng họ khoa bảng ở Việt Nam. Những bản sắc phong này có ý nghĩa chân xác rất lớn vì được xác nhận bởi ấn triện của nhà vua.

Theo TS. Phan Thanh Hải, triển lãm này không chỉ giới thiệu đến đông đảo công chúng một cách nhìn trân trọng đối với vấn đề khoa cử, học vấn dưới thời quân chủ mà còn góp phần cổ vũ giới trẻ, khuyến khích các em tiếp tục truyền thống hiếu học của cha ông, phấn đấu để thành người, thành tài.

Với 183 khoa thi đại khoa từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tuyển chọn được 2897 vị tiến sĩ Nho học.

Một trong những dòng họ Trần ở Hải Dương, với 3 vị Tiến sỹ - 3 thế hệ trong một gia đình, gồm: Trần Thọ, Trần Cảnh và Trần Tiến.

Theo thư tịch, Trần Thọ, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), làm quan đến Tham tụng, Hình bộ thượng thư, tước Phương Trì hầu. Năm 1718, con trai của ông là Trần Cảnh, đỗ Tiến sĩ và làm quan suốt 40 năm (1718 - 1758). Đến năm 1748, con trai của Trần Cảnh là Trần Tiến, lại đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, làm quan đến Phó Đô Ngự sử, sau thăng Lễ bộ Thượng thư, tước Sách Huân bá, một nhà viết ký lớn ở thời Lê.

 

Đồng Văn